(HNM) - Cứ đều đặn mỗi tháng, ông Phan Tư (người dân quen gọi là Tư Bàu, ngụ TP Tân An - Long An) lại chèo ghe, vượt qua sông Vàm Cỏ Tây để tới điểm nhận lương hưu. Ông vui lắm...
Vợ mất sớm, cô con gái duy nhất lại đang trọ học tại TP Hồ Chí Minh khiến mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều đến tay ông Tư Bàu. "Dạo trước, có con gái đưa tôi qua phường nhận tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH). Lúc đó làm gì được thuận lợi như bây giờ mà phiền nhất là mỗi lần đi lĩnh tiền đều phải ngồi chờ cả ngày mới xong". Ông Tư giải thích, việc chi trả lương qua phường như trước đây sở dĩ bị dây dưa kéo dài là do người dân được yêu cầu phải hoàn tất một số thủ tục, hồ sơ, sau đó mới được ký nhận tiền. "Vậy nhưng giờ khỏe hơn nhiều rồi các chú ạ, mỗi lần đến hạn lĩnh trợ cấp là tôi chỉ cần qua bưu điện để nhận, chỉ 20 phút là xong thôi" - ông Tư phấn khởi nói.
Người dân ngồi uống trà, đọc báo trong thời gian đợi nhận lương tại một bưu điện trên địa bàn thành phố Tân An.
Khi tới Bưu điện Chợ (TP Tân An - Long An) để "mục sở thị" quy trình chi trả lương, trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện, chúng tôi cũng đã chứng kiến niềm vui của người dân khi các thủ tục trở nên nhanh gọn, bớt rườm rà. Ông Lương Văn My (70 tuổi, nguyên là Chủ tịch Hội Người mù TP Tân An) từng trải qua nhiều chức vụ hành chính sự nghiệp nên rất thấu hiểu nỗi khổ bị thủ tục "hành là chính" đến mức nào. "Tôi nói thật với các chú, chứ như bản thân tôi từng phải chịu cảnh chờ đợi nhiều lần mới lĩnh được lương, đã thế việc trả lương không có định kỳ, mất công đi lại nhiều lần. Còn bây giờ chỉ chục phút là xong. Thậm chí nhân viên bưu điện còn cẩn thận ghi lại trong sổ lương thời gian lĩnh lương của tháng kế tiếp để mình dễ nhớ nữa", ông My tâm sự.
Tại Bưu điện Chợ, có rất đông người cao tuổi, cán bộ hưu trí đều tới trực tiếp bưu điện để nhận lương thay vì nhờ vả con cháu. Thêm một điều thú vị là trong thời gian chờ gọi số thứ tự, các cụ lớn tuổi trò chuyện với nhau rất thân mật như bà con thân hữu. Hỏi ra, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi lý do duy nhất kết nối họ với nhau là từ "bưu điện". Cụ bà Nguyễn Thị Hương (ngụ phường 1, TP Tân An) năm nay đã ngót 96 tuổi tâm sự, cụ ra bưu điện không chỉ để nhận tiền trợ cấp mà quan trọng hơn là gặp gỡ bạn bè. "Tôi thuộc hàng "xưa nay hiếm rồi", mỗi tháng có dịp này để hàn huyên với những người cùng thời thì cũng là chuyện hiếm hoi. Chúng tôi gặp nhau ở đây để hỏi han chuyện gia đình, sức khỏe, cuộc sống. Vui vẻ như vậy, dại gì mà không ra". Cụ Hương cười hóm hỉnh. Tại đây nhiều cụ bà ở độ tuổi "xưa nay hiếm" còn lập một nhóm riêng để hàn huyên mỗi dịp đi nhận lương ở bưu điện. Lâu dần rồi thành quen, nhiều cụ còn hẹn nhau, thay vì nhờ vả con cháu thì tự đi xe ôm đến bưu điện chỉ để… "tán chuyện"!
Một ngày ở Bưu điện Chợ, chúng tôi còn cảm nhận thêm những điểm thú vị khác từ mô hình đã đi vào lòng dân này. Đó chính là thái độ phục vụ tận tình, hòa nhã của những nhân viên bưu điện nơi đây. Thậm chí, ngoài hành lang bưu điện còn được bố trí bàn ghế sa lông cho người dân ngồi nghỉ trong lúc đợi đọc tên. Phía góc mỗi phòng làm việc của bưu điện còn có 2 bàn tròn cho khách ngồi uống trà, đọc báo thư giãn…
Tạo một động lực mới
Nhằm đổi mới, từng bước hoàn thiện mô hình quản lý và chi trả BHXH theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) đã hợp tác triển khai thí điểm công tác quản lý người hưởng và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua bưu điện tại 12 tỉnh, thành phố. Việc làm này đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của Chính phủ, các bộ, ngành quản lý, chính quyền các cấp lẫn các cán bộ hưu là những người thụ hưởng. Tính đến nay, dịch vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đã được triển khai tại 12 bưu điện tỉnh: Bắc Kạn, Phú Yên, Đắk Nông, Lâm Đồng, Long An, Quảng Trị, Nghệ An, Tuyên Quang, Cần Thơ, Quảng Nam, Bình Thuận và Đắk Lắk. Tổng số tiền hằng tháng chi trả lên đến hơn 350 tỷ đồng tiền lương hưu và trợ cấp BHXH cho 134.000 người.
Long An là một trong 12 tỉnh triển khai thí điểm dịch vụ trả lương hưu, BHXH qua bưu điện. Việc thí điểm được thực hiện tại 5 điểm chi trả trên địa bàn, gồm bưu điện Chợ, TP Tân An; bưu điện văn hóa xã Bình Tâm; bưu điện văn hóa xã Vĩnh Công; bưu điện văn hóa xã Long Trì và điểm chi trả Nhà văn hóa phường 6, TP Tân An.
Ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhìn nhận, mô hình chi trả lương hưu, BHXH cho người dân qua hệ thống bưu điện không chỉ có lợi cho người dân, mà còn thực sự giúp "nhẹ vai" một phần đáng kể trong công tác quản lý về chi trả lương, trợ cấp của địa phương. "Rõ ràng, xét từ góc độ xã hội có thể khẳng định người được thụ hưởng lương, trợ cấp cảm thấy gần gũi, hài lòng hơn bởi mô hình chúng ta đang thí điểm". Theo ông Phước, nếu nhân rộng được mô hình, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc khó khăn thì sẽ góp phần tạo môi trường tiếp dân thực sự chuyên nghiệp và có hệ thống hơn. Trong đó, việc chi trả sẽ giảm các khâu trung gian và cũng ít đi các sai sót, nhầm lẫn, bảo đảm quyết toán nhanh.
"Quan điểm của chúng tôi là bất cứ dịch vụ nào được người dân mong muốn, có hiệu quả thiết thực cho dân thì nên xem xét, khuyến khích để nhân rộng. Riêng tôi nhận thấy việc trả lương hưu qua bưu điện đã có ưu điểm cụ thể trên thực tiễn thì nên tiến hành nhân rộng, không phải mất nhiều thêm thời gian xem xét nữa" - bà Võ Thanh Giang, Giám đốc Bưu điện tỉnh Long An nhận xét. Theo bà Giang, hiện mỗi tháng tỉnh chi trả cho trên 8.000 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, với tổng số tiền trên 23 tỷ đồng. Thời gian qua, ngành cũng đã thực hiện phát phiếu thăm dò lấy ý kiến người dân về mô hình này. Đa số người dân được hỏi đều muốn nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng qua bưu điện hơn là đến nhận tại UBND phường, xã như trước đây, có tới 80% người dân đánh giá dịch vụ này ở mức "rất tốt", đồng thời kỳ vọng dịch vụ sẽ được duy trì lâu dài.
Không chỉ riêng ngành bưu điện, mô hình chi trả lương hưu, BHXH mới cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH Long An trong quá trình chi trả trợ cấp cho các đối tượng người dân được thụ hưởng. "Trước đây, nhân viên BHXH mang tiền đi trên xe máy mấy chục cây số mới đến được các điểm chi trả nên rất nguy hiểm, kẻ xấu dễ theo dõi, nảy sinh lòng tham. Bây giờ, tiền được chở trong xe chuyên dụng, lại có bảo vệ đi kèm nên an toàn và an ninh hơn rất nhiều", ông Mai Hữu Thơi - Giám đốc BHXH tỉnh Long An nhìn nhận.
Lãnh đạo Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam cho biết, ngoài Long An, mới đây tổng công ty còn tiến hành khảo sát triển khai mô hình tại các điểm chi trả trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và Nghệ An cùng 12 bưu điện tỉnh, thành khác. Bước đầu kết quả rất khả quan, nhờ được phân bố đều và rộng khắp, mô hình đã và đang tạo các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều vùng miền khó khăn trên cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.