Cái không khí của đêm ba mươi thật lạ! Dường như cứ mỗi lần vũ trụ chuyển mình sang năm mới là cái không khí ấy lại xuất hiện dưới nhiều hình thức, làm cho con người rung động để cảm nhận được cái vĩ đại của tạo hóa.
Đêm ba mươi không có thơ xuân, chỉ còn lại một niềm riêng nhớ nhung về Bác, về một con người bình dị nhưng vĩ đại biết nhường nào! |
Trên bàn thờ rực rỡ mâm ngũ quả, nhang khói nghi ngút, nhà cửa trang hoàng lộng lẫy có hoa đào, hoa mai. Bếp lửa hồng để giữa sân nấu bánh chưng, những mẩu lá gói bánh xanh mướt, dăm cọng lạt tre còn tươi, lửa reo vui nồng ấm chứng tỏ sự hiện hữu của mùa xuân. Tất cả thật nghiêm trang như chờ đón một điều quan trọng sắp đến: Đêm Giao thừa!
Đêm Giao thừa nào cũng vậy, tôi, nhỏ bé chờ mong phút chuyển mình của các sự việc, của cỏ cây hoa lá, mùa màng, của số phận, của đất trời bao la. Cả nhà cùng quây quần bên nồi bánh, chờ phút Giao thừa. Đâu chỉ riêng tôi, tất cả mọi người trên đất Việt yêu quý đều chờ đợi giây phút thiêng liêng đó. Tôi chắc chắn rằng hơn thế nữa, từ năm 1945, người ta chờ đón phút Giao thừa đồng thời với sự chờ mong một tiếng nói ấm áp, một tiếng nói thân quen như ruột thịt, một sự cảm thông vĩ đại từ một con người bình dị, đó là lời chúc Tết của Bác Hồ. Trong không gian im ắng mông mênh, thời gian như chậm lại, tiếng Bác trầm ấm vang lên trong phút Giao thừa “Đồng bào và chiến sĩ cả nước yêu quý, các cháu nhi đồng yêu quý…”. Chỉ có bấy nhiêu mà tất cả mọi người đều chờ mong một cách hết sức nghiêm túc. Bởi vì lời chúc Tết đêm Giao thừa của Bác đã gắn với phong tục của cả một dân tộc oai hùng, như một truyền thống thiêng liêng. Tự bao giờ nhân dân đã chấp nhận điều này như một sự tự nhiên, như một quy luật mà không cần giải thích vì điều đó đã gắn vào máu thịt của người dân đất Việt.
Những năm tháng đó, lời chúc Tết đêm Giao thừa của Bác là thiêng liêng không bờ bến. Trước lúc Giao thừa, người thì tìm sang hàng xóm xem nhà ai có radio, người thì đứng ra đường nghe loa công cộng. Nhà ai có radio thì đông khách, vui lắm. Người ta chúc tụng nhau, hỏi han nhau công chuyện Tết nhất, xung quanh một đĩa hạt dưa, hay ngồi bên bếp lửa chờ nghe thơ xuân của Bác. Tết nào Bác cũng tặng thơ xuân cho đồng bào cả nước, âu cũng là một nét văn hóa đặc trưng, vì ngày xưa chỉ có các bậc cao nho, hiền sĩ mới tặng thơ cho nhau vào dịp khai bút đầu xuân.
Tao nhã! Khai bút đầu xuân rồi mang tặng thơ cho đồng bào và chiến sĩ cả nước, không phân biệt sang hèn hay địa vị, đã là người Việt, đều được tặng thơ! Bác đã nâng cả dân tộc Việt lên một tầm văn hóa mới, cả một dân tộc thưởng lãm thơ xuân. Thưởng lãm thơ xuân của Bác, qua thơ Bác, nhiều người còn đoán già đoán non kiếp vận của đất nước, số phận của nhiều người. Người ta còn đoán cả đường hướng chiến lược của Trung ương qua thơ Bác, cả chuyện mùa màng, rồi cả chuyện thế giới nữa. Có lẽ ít ai từng sống qua những năm 1960 lại không nhớ câu thể hiện sự lạc quan có tính tiên đoán như:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to…
Bác chúc Tết nhẹ nhàng như câu ca dao từ ngàn năm, Bác nhắn nhủ như một người thân giàu lòng nhân ái nhất:
Nam Bắc như cội với cành
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng
Rồi đây thống nhất thành công
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà
Rồi dịu dàng Bác nói với đồng bào bằng giọng thơ mộc mạc, bình dị ít ai ngờ:
Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân
Và cũng không ai có thể ngờ, cũng có một ngày Bác ra đi, để cho: “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Và để cho từ lâu rồi không ai còn được nghe giọng nói của vị lãnh tụ nhưng vô cùng nồng ấm thân thương, dịu dàng: “Đồng bào và chiến sĩ cả nước yêu quý, các cháu nhi đồng yêu quý…”
Đã 45 xuân rồi, nhiều người Việt trong và ngoài nước không còn được nghe thơ xuân của Bác nhưng chắc vẫn còn vẹn nguyên trong tim niềm riêng nhớ Bác, một con người Việt Nam bình dị nhưng vĩ đại biết nhường nào!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.