(HNM) - Một Thăng Long nghìn năm văn hiến, nơi lắng hồn sông núi; nơi in đậm những dấu ấn văn hóa, những sự kiện lịch sử, những thăng trầm của quốc gia; một Thủ đô linh thiêng, hào hùng đã được hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên biểu đạt hết sức cảm động trên các sân khấu lớn xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Các bạn trẻ ghi lại khoảnh khắc đẹp trên con đường ánh sáng. Ảnh: Nhật Nam
Đúng như kịch bản nghệ thuật của Đại tá - nhà văn Phạm Hoa và ý đồ của tổng đạo diễn NSƯT Đặng Văn Hùng, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, 6 sân khấu quanh hồ Gươm và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám đã đem lại cho người dân Thủ đô, du khách và bạn bè quốc tế những chương trình nghệ thuật nổi bật, mang tầm vóc của ngày khai mạc Đại lễ. Hàng nghìn nghệ sĩ đã cống hiến hết mình trên các sân khấu mang những chủ đề khác nhau. Sân khấu tại vườn hoa Lý Thái Tổ có chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng". Sân khấu đền Bà Kiệu mang chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến". Chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, thành phố vì hòa bình", "Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển" được thể hiện sinh động ở sân khấu Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Lê Thái Tổ - Hàng Trống. Sân khấu ngã 4 Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài khắc họa chủ đề "Hà Nội, trái tim của cả nước" và 150 nghệ sĩ của dàn quân nhạc đã tấu lên những khúc ca khải hoàn về Thăng Long - Hà Nội trên sân khấu Quảng trường Cách mạng Tháng Tám.
Ngay sau nghi thức khai mạc Đại lễ, 1.000 cánh chim bồ câu từ khu vực tượng đài Lý Thái Tổ tung cánh bay lên báo hiệu phần hội bắt đầu. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi (Giáo phường ca trù Thái Hà) với 7 đời giữ nghề cho biết: "Người con của Thủ đô là phải biết gìn giữ nghệ thuật của cha ông, để truyền lại cho ngàn đời sau, để ai đến với Hà Nội cũng thấy được nét văn hiến nơi đây". Nghệ sĩ Thảo Vân, phụ trách sân khấu Lê Thái Tổ - Hàng Trống tỏ ra rất tự hào khi được đóng góp công sức vào ngày lễ trọng của Thủ đô. Theo nghệ sĩ, thông điệp về sự hội nhập và phát triển của thành phố không gì minh chứng sâu sắc hơn là ở những người trẻ (đại diện là sinh viên) cùng nắm tay với bạn bè quốc tế trên sân khấu ca vang bài ca kết đoàn. Gần 100 sinh viên Việt Nam suốt mấy tháng ròng rã kết nối luyện tập với 40 bạn trẻ đến từ Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines đã đem đến cho khán giả một chương trình đa sắc văn hóa và đậm tình hữu nghị quốc tế. Chung niềm phấn khởi, hơn 400 nghệ sĩ "nhí" cũng hăng say cống hiến nhiều tiết mục sinh động trên sân khấu Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục...
Đêm hồ Gươm lung linh
Biểu diễn ánh sáng tại hồ Gươm. Ảnh: Bảo Kha
Khi thành phố lên đèn, mặt hồ Gươm lung linh càng trở nên huyền diệu trong đêm nghệ thuật khai mạc Đại lễ. Đúng như chủ đề "Đêm hồ Gươm lung linh", màn trình diễn ánh sáng laser trên nền khói phun sương và pháo bông nghệ thuật đã đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Xem màn nghệ thuật độc đáo này, ông Nguyễn Văn Tuấn, ở phố Cầu Gỗ không giấu nổi cảm xúc: "Thật tuyệt, 51 năm tôi sống gần hồ Gươm, chứng kiến Thủ đô thay da đổi thịt hằng ngày, nhưng chưa bao giờ tôi được thấy màn ánh sáng vút lên trên mặt hồ yên ả hoành tráng như thế. Dường như, những người làm nghệ thuật đã dùng nghệ thuật để nói rằng hồ Gươm mãi mãi là trái tim yêu của Thủ đô, Hà Nội mãi mãi là trái tim của cả nước. Trái tim ấy sẽ ngời sáng vì nền hòa bình, độc lập và phát triển của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, của dân tộc Việt Nam Anh hùng". Không những thế, bất kỳ ai đến với "Đêm hồ Gươm lung linh" còn bắt gặp những cảnh sinh hoạt hết sức giản dị gắn với cuộc sống thanh bình, tao nhã của người dân Hà Nội nhiều đời nay như: Thầy đồ viết chữ, gánh hàng hoa, xe kéo tay chở các bà, các mẹ trong trang phục áo dài cổ đi lễ chùa, những cặp đôi khoác tay nhau đi dạo, những đứa trẻ hát đồng dao nhảy múa, vui chơi… Theo nhạc sĩ Trọng Đài, đạo diễn đêm nghệ thuật thì đó chính là những hình ảnh sống mang ý nghĩa khẳng định Hà Nội là thành phố của hòa bình và vì hòa bình.
Lễ hội áo dài 3 miền với sự tham gia của 100 người mẫu trình diễn những bộ áo dài của nhà thiết kế Đức Hùng, Ngân An diễn ra trên cầu Thê Húc sau màn nghệ thuật ánh sáng đã khiến tất thảy những ai có mặt phải xiêu lòng. Nhà thiết kế Đức Hùng tâm sự: 150 bộ áo dài trình diễn tại đêm hội mang chủ đề Xuân, Hạ, Thu, Đông để nói về "hơi thở" Hà Nội trong 4 mùa là lời tri ân của anh với mảnh đất anh sinh ra, lớn lên và yêu tha thiết. Còn nhà thiết kế Anh Thư của thương hiệu áo dài Ngân An cho biết: 600 bộ áo dài do các người mẫu chuyên nghiệp thể hiện trong chương trình mang màu sắc 3 miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó, hình ảnh miền Bắc là những tà áo dài thanh lịch, nền nã của người Tràng An, miền Trung hiện lên qua áo dài tím Huế với nét đài các theo phong cách Nam Phương hoàng hậu, còn miền Nam là những bộ sưu tập thể hiện nhịp sống sôi động, hiện đại của đất Sài Gòn.
Như cảm nhận của chị Nguyễn Thùy Ngân, ở đường Thành Thái, quận 10, TP Hồ Chí Minh thì những tà áo dài bay trong gió mùa thu dưới bầu trời đêm Hà Nội lung linh là hình ảnh thanh bình nhất mà chị gặp trên đất Thủ đô trong ngày đầu của Đại lễ. Niềm vui ấy, sự cảm nhận ấy tiếp tục được nhân lên trong phần 2 của "Đêm hồ Gươm lung linh" với chủ đề "5 cửa ô đón chào" trên 5 sân khấu lớn quanh hồ Hoàn Kiếm. Tại các sân khấu này, hàng nghìn diễn viên chuyên và không chuyên đã cùng nhau hát vang bài ca "1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Bài ca ấy mô tả 5 cửa ô của Thủ đô, biểu đạt sắc thái, tình cảm và văn hóa của người Hà Nội. Đó cũng là những bài ca mang thông điệp chuyển tới bạn bè trong nước và quốc tế rằng Hà Nội có lịch sử lâu đời, có bề dày truyền thống, song cũng rất năng động, hội nhập trên tất cả các lĩnh vực để phát triển, để tiến lên, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa lớn nhất của cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.