Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất thí điểm khung pháp lý mới cho mạng lưới vận tải tại Việt Nam

Lan Hương| 30/09/2015 10:16

(HNMO) – Ngày 30/9, Uber đã công bố đề xuất đến Bộ Giao thông Vận tải về chương trình thí điểm nhằm bổ sung khung pháp lý mới cho dịch vụ mạng lưới vận tải tại Việt Nam.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế số, khung pháp lý hiện hành thường chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ. Ví như, trong lĩnh vực giao thông vận tải, việc áp dụng công nghệ mới cũng đặt ra nhu cầu cho những điều chỉnh phù hợp trong khung pháp lý hiện hành áp dụng cho những dịch vụ mạng lưới vận tải (gọi tắt là TNS) có nền tảng dựa trên CNTT như Uber.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Mexico hay Philippines, đã xây dựng khung pháp lý mới quy định việc quản lý vận hành của các TNS cho thấy quyết tâm của Chính phủ và doanh nghiệp trong việc hợp tác hướng tới mục tiêu chung là đem lại quyền lợi tốt nhất cho người dân, cụ thể là các hành khách đi xe và tài xế.


Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber tại Việt Nam đã chia sẻ: “Tại Uber, chúng tôi chia sẻ mục tiêu chung với Bộ Giao thông Vận tải cũng như Chính phủ: cải thiện phương thức đi lại ở các đô thị, gia tăng năng suất lao động trong ngành vận tải, giúp cho đường phố an toàn hơn, thành phố vận hành thông minh hơn và tạo nên nền kinh tế số bền vững ở Việt Nam. Qua đề xuất thí điểm này, chúng tôi mong muốn được hiện thực hoá tầm nhìn đó và mong muốn có cơ hội được hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý phù hợp nhất với sự phát triển của công nghệ, giúp hành khách được an toàn hơn, có nhiều lựa chọn hơn cũng như đem lại cơ hội kinh tế cho các tài xế và doanh nghiệp vận tải”.

“Uber mong muốn có cơ hội và cam kết hợp tác chặt chẽ cùng Chính phủ trong các dự án hợp tác công-tư có tính chất đột phá như đề xuất trên. Vừa qua, Uber cũng đã triển khai chương trình hợp tác chiến lược với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia trong chiến dịch nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tại Việt Nam” – ông Dũng cho biết thêm.

Đề xuất thử nghiệm này dự kiến kéo dài hơn 36 tháng, bao gồm:
- Một nghiên cứu tổng quát về những ứng dụng của TNS trong và ngoài nước, bao gồm cả những nghiên cứu tại các nước đã thành công trong việc phát triển quy định mới cho TNS.
- Tư vấn về kỹ thuật và hỗ trợ cho việc cập nhật khung pháp lý cho TNS, bao gồm việc xem xét và chỉnh sửa các điều luật hiện hành, cũng như soạn thảo những quy định mới cho TNS.
- Thử nghiệm các quy định mới.
- Đánh giá và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất thí điểm khung pháp lý mới cho mạng lưới vận tải tại Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.