(HNMO) - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn 8/19 quận, huyện, thị xã thường xuyên xảy ra tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ trên đồng ruộng, vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội.
Chỉ thị của UBND thành phố nêu rõ, các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.
Qua kiểm tra thực tế của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong vụ mùa 2021 cho thấy, hiện tượng người dân đốt rơm rạ tiếp tục xảy ra sau thu hoạch ở các địa phương là 3,6%. Cá biệt, có địa phương tỷ lệ đốt rơm rạ tăng cao như: Gia Lâm 30,4%, Đông Anh 28,9%, Mê Linh 14,3%, Thanh Oai 4,8%... Việc đốt rơm rạ khiến lượng khí phát thải ra môi trường cũng tăng cao. Cụ thể, vụ mùa 2021, khối lượng bụi mịn PM2.5 đo được là 86,9 tấn, khí CO2 là 12.326,8 tấn, khí SO2 khoảng 1.885 tấn, khí CO là 973,9 tấn… Nguồn khói bụi này gây ô nhiễm trực tiếp đến khu vực nội thành, ảnh hưởng đến an ninh hàng không tại sân bay Nội Bài…
Để hạn chế, tiến tới chấm dứt việc đốt rơm rạ, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ. Các đơn vị tham mưu thành phố có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ các tập thể, cá nhân sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất hàng hóa, chăn nuôi gia súc... Bên cạnh đó, thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ không đốt rơm rạ vào mục xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với các địa phương.
Đặc biệt, UBND các quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, thành phố sẽ phê bình lãnh đạo, tập thể và không xét thi đua, khen thưởng các địa phương này trong năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.