(HNM) - Với dân số hơn 55 vạn người, huyện Từ Liêm (Hà Nội) đang đứng đầu cả nước về dân số của một đơn vị hành chính cấp quận, huyện.
Nằm ở ngoại thành Hà Nội, song trong những năm qua, huyện Từ Liêm là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của thành phố. Cùng với hàng chục trường đại học đóng trên địa bàn, việc hàng loạt dự án thương mại, các khu đô thị mới như Cổ Nhuế, Mỹ Đình I và II, Mễ Trì, Nam Thăng Long được triển khai xây dựng trong 10 năm trở lại đây đã mang lại diện mạo khang trang hơn cho huyện nhưng cũng buộc chính quyền cơ sở phải đối mặt với nhiều sức ép. Theo thống kê của UBND huyện, hiện Từ Liêm có hơn 55 vạn người, là huyện có dân số đông nhất trong các đơn vị hành chính cấp quận, huyện của cả nước. Xếp trong diện khu vực nông thôn nhưng thực tế tại huyện hiện nay, số lượng dân cư làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ngay tại xã Tây Tựu, nơi có làng hoa nổi tiếng, tỷ lệ hộ sản xuất thuần nông cũng rất ít. Và để tiện cho việc quản lý, nhiều xã trên địa bàn huyện như Mễ Trì, Phú Diễn, Xuân Ðỉnh, Cổ Nhuế, Mỹ Ðình đã thành lập các tổ dân phố cho phù hợp đặc điểm của các khu dân cư đô thị hóa.
Từ Liêm là huyện có tốc độ phát triển đô thị nhanh trong những năm qua. Ảnh: Huy Hùng |
Dân số gia tăng nhanh chóng đã khiến hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn Từ Liêm như bệnh viện, trường học, đường sá rơi vào tình trạng quá tải. Đơn cử trong lĩnh vực giáo dục, dù toàn huyện có 21 trường tiểu học, 17 trường THCS, 25 trường mầm non và những năm gần đây, huyện đã dành hơn 300 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục công lập song tình trạng quá tải ở các khu đô thị và các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh vẫn diễn ra. Chỉ tính riêng xã Mỹ Đình, ngoài 50 khối nhà chung cư cao tầng xen kẽ với khu dân cư còn có 2 khu đô thị mới Mỹ Đình I và II rộng khoảng 46ha với dân số hàng vạn người nhưng đến nay chưa có trường công lập. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, tại khu vực này, hiện chỉ có các trường dân lập với học phí cao và số lượng học sinh hạn chế nên đã tạo sức ép ngược trở lại với các "trường làng, trường xã" của huyện. Vì vậy, cơ sở vật chất các trường công lập nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu đến trường của trẻ, có những lúc sĩ số lên tới 60 cháu/lớp.
Trong lĩnh vực y tế, dù 15 xã và 1 thị trấn của huyện đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, huyện cũng chú trọng đầu tư, nâng cấp các trạm y tế, bổ sung thay mới trang thiết bị khám, chữa bệnh nhưng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu vì số dân quá đông, nhất là ở những xã có số dân cơ học lớn như Phú Diễn, Mễ Trì, Cổ Nhuế, Minh Khai, Tây Tựu. Chưa nói đến công tác bảo đảm an ninh trật tự cũng gặp nhiều khó khăn do mô hình lực lượng CA xã ở nhiều địa phương hiện không đáp ứng được yêu cầu…
Để giảm sức ép quá tải, bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền cơ sở, tại các cuộc làm việc với thành phố, lãnh đạo huyện Từ Liêm đã nhiều lần đề xuất nâng cấp, chuyển, tách huyện Từ Liêm thành hai đơn vị hành chính riêng biệt. Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư, đề xuất của huyện đã được thành phố quan tâm, lắng nghe. Hiện Bộ Nội vụ cũng đã làm việc với địa phương về vấn đề này. Ông Thư cho biết thêm, hiện tại, huyện Từ Liêm đã hội đủ các điều kiện và đáp ứng được yêu cầu khi tách thành 2 đơn vị hành chính mới. Tuy nhiên, để đến khi có quyết định cuối cùng, quy trình sẽ còn rất dài.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm, việc tách huyện Từ Liêm thành 2 đơn vị hành chính là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch, mặt khác quy mô dân số của huyện Từ Liêm đã quá tải, rất cần được quản lý theo mô hình trung tâm đô thị. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Từ Liêm nằm trong khu vực đô thị trung tâm và vùng phát triển mới với các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại có chất lượng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.