(HNMO) - Ngày 2-6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ, Luật Giao thông đường bộ là luật quan trọng, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức trong quá trình soạn thảo. Mục đích của hội thảo là thu hút những ý kiến đóng góp thiết thực từ phía các cơ quan liên quan, nhất là doanh nghiệp, để hoàn thiện dự thảo với nội dung phù hợp và khoa học nhất. Trong đó, yêu cầu quan trọng là làm rõ, phân định các vấn đề liên quan đến những loại hình vận tải để quản lý một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu chung cũng như bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm các bên liên quan...
Đại diện một số đơn vị đã đóng góp ý kiến, tập trung vào những vấn đề cụ thể. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị quy định rõ trường hợp nào sử dụng công cụ điều hành bằng “giá” và khi nào thì sử dụng “phí” đối với các phương tiện. Dự thảo cũng nên đề cập thỏa đáng đến nội dung liên quan đến loại hình xe tự lái vì có thể loại hình này sẽ sớm xuất hiện theo trào lưu xây dựng đô thị thông minh và cách mạng khoa học công nghệ; làm rõ định nghĩa thế nào là “vận tải nội bộ” để bảo đảm nghĩa vụ thuế cũng như sự công bằng trong hoạt động vận tải...
Ông Nguyễn Văn Quyền cũng đề xuất quy định lái xe đường dài sau khi lái xe 10 giờ cần được nghỉ trong 8 giờ rồi sau đó có thể lái xe trong ca làm việc tiếp theo.
Đại diện các doanh nghiệp logistics, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, trước tiên cần sửa tên gọi "Luật Giao thông đường bộ Việt Nam" thành "Luật Giao thông vận tải đường bộ Việt Nam" vì phạm vi điều chỉnh áp dụng với cả việc giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa, kết cấu hạ tầng đường bộ và các phương tiện vận tải. Thêm nữa, dự thảo lần này chỉ mới tập trung vào các nội dung về quy tắc an toàn giao thông đường bộ là chính, chứ chưa chú trọng tới các vấn đề khác có liên quan như vận tải hàng hóa...
Vấn đề hợp tác quốc tế cũng chưa được thể hiện rõ trong khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định khu vực có liên quan về vận tải đường bộ như Hiệp định Tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới của các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng hay Hiệp định ASEAN về tiêu chuẩn đường bộ tham gia mạng đường bộ ASEAN; Hiệp định Quy định tiêu chuẩn đường bộ tham gia mạng đường bộ châu Á; Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.