Khởi điểm chịu thuế sẽ nâng lên mức 6 đến 10 triệu đồng (HNM) - Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết đang trình Chính phủ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án.
Phương án một là nâng mức khởi điểm tính thuế lên bằng 8 lần lương tối thiểu. Phương án hai là hạ thuế suất của bậc thuế đầu tiên từ 5% hiện nay xuống còn 1%-2%. Phương án tính mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh cũng sẽ linh hoạt hơn. Theo đó, mức khởi điểm tính thuế sẽ thay đổi hằng năm theo mức điều chỉnh lương tối thiểu. Mức giảm trừ gia cảnh cũng sẽ được sửa đổi theo mức lương tối thiểu và có thể bằng ba lần lương tối thiểu (mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 1,6 triệu đồng/người) và cân nhắc để người nộp thuế ở đô thị sẽ được giảm trừ gia cảnh nhiều hơn người nộp thuế ở khu vực nông thôn. Theo đề xuất của Vụ Chính sách thuế, mức lương tối thiểu khu vực sản xuất trong nước hiện nay (tính theo vùng) thấp nhất là 830.000 đồng/tháng và cao nhất là 1.350.000 đồng/tháng. Như vậy, mức khởi điểm tính thuế TNCN sẽ tương ứng là 6.640.000 đồng và 10.080.000 đồng.
Tuy nhiên, lương tối thiểu ở khu vực sản xuất trong nước thường cao hơn mức lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp, nên một số chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc phương án tính thuế TNCN theo hộ gia đình. Phương án này dựa trên cơ sở tính tổng thu nhập của cả gia đình chứ không tính thuế trên từng cá nhân có thu nhập như hiện nay. Theo đó, tổng thu nhập của một hộ gia đình sẽ được chia bình quân cho từng người trong mối quan hệ trực hệ. Mỗi người đi làm được tính một suất, hai người phụ thuộc tính thành một suất. Sau đó lấy tổng thu nhập chia cho số suất trong gia đình. Nếu thu nhập trung bình nhỏ hơn mức khởi điểm tính thuế thì sẽ không phải nộp thuế và ngược lại.
Đại diện Vụ Chính sách thuế cho biết, việc sửa đổi Luật Thuế TNCN sẽ dựa trên tinh thần thuế suất TNCN của nước ta phải thấp hơn các nước để tăng tính cạnh tranh, thu hút đầu tư…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.