(HNMO) - Sáng 3-11, Quốc hội đã khởi động 3 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự phiên thảo luận.
Đánh giá cao sự điều hành linh hoạt của Chính phủ giúp vượt qua đại dịch Covid-19, song các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục nhằm đưa nước ta phát triển bền vững.
Tăng trưởng kinh tế - điểm sáng trong đại dịch Covid-19
Tăng trưởng từ 2-3% GDP, kinh tế phát triển ổn định, cán cân thương mại 9 tháng thặng dư 17 tỷ USD, dòng vốn FDI tăng trở lại, vốn giải ngân và vốn cam kết đều tích cực là những kết quả mà nước ta đã đạt được trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế thế giới.
Đánh giá cao sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) nhắc lại, tháng 11-2019, khi Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch năm 2020, Covid-19 vẫn còn là khái niệm xa lạ, đến nay trên thế giới đã có hơn 47 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 1,2 triệu người tử vong; kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng và ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong bối cảnh đó, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, tăng trưởng 2-3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh. "Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu kiến nghị, bên cạnh chính sách tiền tệ đã được triển khai tốt thì cần thực hiện tốt hơn chính sách tài khóa; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020 và chuẩn bị giai đoạn phục hồi từ 2021.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) cho rằng, dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ liên tục tại miền Trung gây thiệt hại nặng nề, nhưng đất nước vẫn đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng. Kết quả này cho thấy, Việt Nam nằm trong số ít những nước đạt mức tăng trưởng dương, vị thế của đất nước được nâng cao.
Từ những kết quả phát triển kinh tế đã đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đề xuất một số kiến nghị chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ hình thành trong các trường đại học để thương mại hóa các công nghệ được nghiên cứu, phát triển trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Bên cạnh đó cần có chính sách đột phá, thích hợp để huy động được đội ngũ đông đảo những người làm khoa học trong nước tham gia đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, thu hút các nhà khoa học nước ngoài.
Dự án đường sắt đô thị và hướng giải quyết bất cập
Nêu tình trạng các dự án đường sắt đô thị đầu tư lớn nhưng đội vốn, kéo dài, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc triển khai các dự án đường sắt đô thị đang tồn tại nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm để không lặp lại ở các dự án sau.
Theo đại biểu, đầu tư đường sắt đô thị cần gắn với tái cấu trúc không gian đô thị, hệ thống giao thông công cộng, nếu không đây chỉ là loại hình giao thông nhập khẩu. "Chúng ta cũng cần xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đường sắt đô thị phù hợp điều kiện của Việt Nam, nghiên cứu mô hình đường sắt đô thị tư nhân như ở Tokyo", đại biểu phân tích. Từ thực trạng này, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành vào cuối năm 2021, không để sai hẹn lần nữa.
Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước) nêu, thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt để tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, song trên thực tế việc chậm giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng chậm. Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải ngân là công tác lập kế hoạch không sát thực tế, không khả thi, điển hình như một số dự án đang triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đại biểu đề xuất Chính phủ có giải pháp hữu hiệu lựa chọn các bộ, ngành, địa phương để giao vốn đầu tư công, tránh cào bằng; kiên quyết thu hồi các dự án chậm giải ngân, xử lý trách nhiệm người đứng đầu; cải cách thủ tục hành chính về thủ tục thực hiện dự án tư công, có cơ chế giám sát, xử lý; các bộ, ngành chỉ đạo sát sao, chặt chẽ các khâu thuộc trách nhiệm, lĩnh vực quản lý khi triển khai dự án đầu tư công, không để "quả bóng trách nhiệm" bị đá đi, đá lại.
Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2020, ngành được bố trí 40.000 tỷ đồng, đến ngày 30-10-2020 đã giải ngân hơn 29.000 tỷ đồng, tương đương 73%, cao hơn mức trung bình cả nước 13%.
Việc các dự án giao thông đường sắt đô thị được triển khai thời gian qua bộc lộ rất nhiều vấn đề, đặc biệt là chậm tiến độ. Những bài học được rút ra là quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác chuẩn bị dự án đầu tư phải lựa chọn được công nghệ, nhà thầu tốt, bảo đảm mặt bằng sạch khi triển khai dự án... Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với những thành phố lớn để những dự án đường sắt đô thị khởi công mới tránh được tình trạng lặp lại như hiện nay...
Giảm thiểu thiệt hại thiên tai, vấn đề cấp bách
Tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm khắc phục hậu quả thiên tai.
Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ người dân vùng sạt lở làm nhà sàn ở miền núi, nhà chống lụt ở vùng trũng thấp, hầm trú bão. Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, hồ thủy điện, thông tin rộng rãi để người dân hiểu rõ.
Đề cập việc xả lũ của các hồ chứa, hồ thủy điện trong đợt bão lũ vừa qua, đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị có giải pháp để hạn chế, giảm thiểu sự cố trong vận hành hồ thủy lợi, thủy điện. Theo đại biểu, các chủ hồ, doanh nghiệp vận hành thủy điện phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ đập, phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi xả lũ... bảo đảm không gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân và bồi thường khi có thiệt hại.
Đại biểu đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tác động biến đổi khí hậu đến từng hồ đập, mức độ an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, đơn vị quản lý hồ chứa, hồ thủy điện, đặc biệt trong mùa lũ; tăng cường giám sát việc trồng và phục hồi rừng tại khu vực triển khai dự án thủy điện...
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) lại nêu vấn đề, chúng ta kêu gọi trồng rừng, nhưng vẫn cho phép các dự án khởi công trong lõi rừng hay thủy điện "cóc" vẫn tiếp tục được hoạt động, thậm chí là cấp phép dự án mới. Đại biểu đề xuất, cần xây dựng chiến lược lâu dài giảm hậu quả nặng nề của bão lụt.
Trao đổi thêm về ý kiến một số đại biểu liên quan đến việc phát triển, bảo vệ rừng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin, nếu năm 1990 cả nước có khoảng 9 triệu hécta rừng thì sau 30 năm chúng ta có 14,6 triệu hécta rừng, trong đó có 10,3 triệu hécta rừng tự nhiên. Việt Nam đã được thế giới công nhận tham gia phát triển bền vững. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam là 42%, trong khi thế giới là 29%, đây là cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định: "Chúng ta quyết tâm phát triển rừng để bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển bền vững".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.