(HNMO) - Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội vừa có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội về việc tiếp nhận và đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đã hoàn thành các nội dung công việc liên quan thuộc trách nhiệm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức tiếp nhận bàn giao, đưa vào khai thác, vận hành ngay sau khi Bộ Giao thông - Vận tải hoàn thành dự án. Tuy nhiên, việc tiếp nhận này chỉ có thể thực hiện khi dự án được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước tiến hành nghiệm thu và đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác theo quy định. Sở đề xuất cho nghiệm thu có điều kiện đối với các nội dung công việc còn tồn tại nhưng không ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu và khắc phục trong thời gian bảo hành.
Đồng thời, Sở đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải quy định các nội dung cần thiết liên quan đến điều kiện nghiệm thu và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chấp thuận; Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội tham mưu cho thành phố về điều kiện để đưa vào khai thác, vận hành; vận hành có điều kiện (như tốc độ tối đa cho phép, số lượng đoàn tàu vận hành, tần suất chạy tàu...); hoàn thành chứng nhận hệ thống do đơn vị tư vấn độc lập báo cáo và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận...
Theo công bố của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải), dự án đang được nghiệm thu các hạng mục xây dựng, thiết bị; chỉ còn hạng mục đoàn tàu chờ cấp chứng nhận đăng kiểm chính thức sẽ nghiệm thu. Đến nay, nhiều hạng mục công trình đủ điều kiện báo cáo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước xem xét. Dự án cũng đã xây dựng đề cương vận hành thử toàn bộ hệ thống 20 ngày để phục vụ công tác đánh giá an toàn, nghiệm thu.
Để phục vụ công tác này, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 13 báo cáo đánh giá chuyên ngành được thực hiện bởi liên danh tư vấn Apave-Certifier-Tricc (Pháp). Đến nay, đơn vị tư vấn đã đánh giá xong 12/13 báo cáo của dự án.
Trước đây, dự kiến dự án bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống từ tháng 2-2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên hơn 100 chuyên gia, kỹ sư người Trung Quốc chưa thể trở lại Việt Nam tiếp tục công việc. Do đó, công tác vận hành thử đang bị chậm so với kế hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.