Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất mới về bảo hiểm xã hội một lần: Khó có phương án tối ưu tuyệt đối

Hà Hiền| 12/03/2023 07:02

(HNMO) - Một số đề xuất mới nhằm “siết chặt” hơn điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhận về những ý kiến nhiều chiều. Dù theo hướng nào, thì các phương án đều hướng đến mục tiêu chung nhất là vì quyền lợi cho số đông, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, rất khó để có phương án tối ưu tuyệt đối.

Ý kiến nhiều chiều

Với quan điểm cần khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án về quy định hưởng BHXH một lần.

Người dân ở Thủ đô phấn khởi đón nhận lương hưu vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Phương án 1 là giữ nguyên như hiện nay, đồng nghĩa không hạn chế rút BHXH một lần. Điều kiện là người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, thì được rút một lần.

Phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu, thì giải quyết hưởng một phần nhưng không quá 50% tổng số thời gian đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ khi đến tuổi nghỉ hưu.

Ngoài 2 phương án nêu trên, cơ quan soạn thảo nghiên cứu giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm (hiện nay là 20 năm), nhưng không áp dụng đối với người hưởng BHXH một lần. Cùng với đó, người lao động khi hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm sự lựa chọn: Nếu không nhận BHXH một lần thì được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; được ngân sách nhà nước mua bảo hiểm y tế. Người lao động cũng được hưởng các quyền lợi về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp…

Về cơ bản, nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất nên “siết chặt” hơn điều kiện hưởng BHXH một lần; đồng thời bày tỏ sự phấn khởi khi dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung, nới rộng quyền lợi cho những người chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu, nhưng không rút BHXH một lần.

Là người từng rút BHXH một lần, anh Nguyễn Lê Ngọc (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phân tích, số tiền nhận về từ khoản rút BHXH một lần, nếu nhiều, tức là người lao động đã tham gia chính sách nhiều năm, chỉ cần đóng thêm ít thời gian nữa là đủ điều kiện hưởng lương hưu. Nếu khoản tiền nhận về ít, đồng nghĩa người lao động tham gia chính sách chưa lâu. Trong trường hợp dùng số tiền này để trang trải cho những khó khăn trước mắt hoặc làm vốn để tự sản xuất, kinh doanh, nếu không tính toán kỹ, dẫn đến làm ăn thua lỗ, người lao động sẽ mất hết.

“Với cá nhân, tôi từng dùng hơn 150 triệu đồng từ việc rút BHXH một lần và toàn bộ số tiền tích lũy trước đó để mở cửa hàng bán đồ gỗ nhỏ. Do thiếu kinh nghiệm, tôi phải đóng cửa hàng sau hơn một năm kinh doanh. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ không tiêu trước “của để dành” cho tuổi già”, anh Ngọc nói.

Từ kinh nghiệm thực tế, anh Nguyễn Lê Ngọc tin tưởng, nếu điều kiện hưởng lương hưu được nới lỏng và thông thoáng hơn, chắc chắn, nhiều người lao động sẽ ở lại hệ thống an sinh, thay vì nhận BHXH một lần.

Nhiều lao động tự do tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện và tham gia để có lương hưu. Thế nên, những người đã tham gia cần cân nhắc kỹ trước khi đề nghị hưởng BHXH một lần.

Ở chiều ngược lại, những ý kiến chưa đồng thuận cho rằng, nếu giải quyết hưởng một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đóng là “rào cản” khiến người lao động không được hưởng hết khoản tiền do chính họ đóng góp. Còn việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm để hưởng lương hưu có thể tạo ra khoảng cách ngày càng xa giữa thời gian làm việc và tuổi nghỉ hưu.

Chẳng hạn, người lao động tham gia BHXH năm 18 tuổi, đến khi 33 tuổi, họ đã có đủ số năm đóng BHXH chờ hưởng lương hưu, nhưng thời gian chờ lên tới 27 năm đối với nữ, 29 năm đối với nam (theo quy định hiện nay, người lao động nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi đối với nữ, 62 tuổi đối với nam).

Không chỉ có người dân, mà ngay các nhà quản lý, các chuyên gia về an sinh xã hội cũng đang có những ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về hưởng BHXH một lần đang được dự thảo.

Chú trọng bảo đảm lợi ích chung, an sinh bền vững

Dõi theo tình trạng rút BHXH một lần trong những năm gần đây, có lẽ bất cứ ai cũng thấy băn khoăn, trăn trở. Tại báo cáo tổng kết triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015 của Quốc hội khóa XIII về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ, giai đoạn 2016-2021, cả nước có hơn 4,256 triệu người mới tham gia chính sách, nhưng lại có hơn 4,058 triệu người giải quyết hưởng BHXH một lần, tương đương cứ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người đã tham gia rời hệ thống BHXH.

BHXH thành phố Hà Nội ra quân tuyên truyền về tính ưu việt của các chính sách, giúp người dân hiểu rõ để chủ động tham gia, ở lại hệ thống lâu dài.

Bình quân có gần 700.000 người hưởng/năm, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Người hưởng tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định (ngoài nhà nước), chiếm tới 90,74% tổng số người hưởng. Độ tuổi của người hưởng phổ biến từ 30-40 tuổi với 40,4%, từ 40-50 tuổi chiếm 15,4%. Đáng chú ý, trong tổng số người hưởng BHXH một lần, khoảng 10% số người đã có thời gian đóng BHXH đủ 10 năm trở lên…

Trong năm 2022, số người hưởng BHXH một lần vẫn chưa giảm, với tổng số hơn 890.000 người được giải quyết hưởng. Việc rút BHXH một lần ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía, cả vĩ mô và vi mô, cả trước mắt và lâu dài.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người hưởng BHXH một lần gia tăng, dẫn đến mức độ bao phủ của hệ thống BHXH bị thu hẹp ở cả khía cạnh người tham gia và số người hưởng lương hưu. Đồng nghĩa, mục tiêu của chính sách là “bảo đảm hay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập…” sẽ không đạt được. Trong khi đó, dân số của nước ta đang già hóa nhanh, dự báo, có khoảng 17,89 triệu người từ 60 tuổi trở lên (bằng 17% tổng dân số) vào năm 2030; sau đó sẽ tăng lên 23,34 triệu người (bằng 20,96% tổng dân số) vào năm 2040 và tiếp tục tăng lên cao…

Dưới góc nhìn nghiên cứu, chuyên gia về an sinh xã hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nếu diện bao phủ BHXH không sớm được mở rộng đến số đông người lao động trong những năm tới, phần lớn người cao tuổi ở nước ta sẽ không có lương hưu. Thực tế này đòi hỏi ngân sách nhà nước sẽ phải chi trợ cấp xã hội nhiều hơn đối với người cao tuổi, người không có lương hưu. Về phía người lao động, họ sẽ mất cơ hội hưởng lương hưu và nhiều quyền lợi khác khi hết tuổi lao động - độ tuổi cần có điểm tựa an sinh vững chắc…

Trên cơ sở tính toán, cân nhắc và tiếp thu ý kiến từ nhiều phía trong thời gian dài, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung một số quy định chặt hơn về rút BHXH một lần nhằm hướng tới mục tiêu chung nhất là bảo đảm quyền lợi cho số đông, bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, nước ta có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu có khoản tiền lương hưu, trợ cấp hằng tháng.

Thực tế cho thấy, những chính sách, quy định mới đưa ra thường có ý kiến nhiều chiều, rất khó để tất cả đều hài lòng, khó có phương án tối ưu tuyệt đối. Hiện các phương án về hưởng BHXH một lần mới là dự thảo để lấy ý kiến. Từ góp ý của người dân, các chuyên gia, nhà quản lý, ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ đưa lên “bàn cân” để phân tích, tính toán trước khi tiếp tục trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, vào tháng 10-2023. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất mới về bảo hiểm xã hội một lần: Khó có phương án tối ưu tuyệt đối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.