Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT nhằm xin ý kiến rộng rãi trong xã hội. Theo đó có nhiều thay đổi so với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước.
Ảnh minh họa. Nguồn: VA |
Cụ thể, Bộ GD&ĐT xin ý kiến thay đổi thời gian làm bài mỗi môn thi, trong đó môn Toán và Ngữ văn sẽ chỉ còn 120 phút (năm trước là 150 phút). Lịch sử và Địa lí: 90 phút; Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ: 60 phút (Ngoại ngữ sẽ có thêm phần tự luận).
Cũng theo Dự thảo, mỗi trường phổ thông một Hội đồng coi thi (không thi ghép như năm trước). Trong trường hợp phải tổ chức thi ghép hoặc thi liên trường thì không được xếp học sinh của các trường khác nhau trong cùng một phòng thi.
Trong mỗi Hội đồng coi thi, việc lập danh sách thí sinh dự thi ở mỗi phòng thi được thực hiện theo các bước sau đây: Xếp thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c... của tên thí sinh đối với các thí sinh không đăng ký thi ngoại ngữ; Xếp thí sinh dự thi có đăng ký thi Ngoại ngữ theo thứ tự môn Ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và theo thứ tự a, b, c... của tên thí sinh.
Mỗi thí sinh chỉ có duy nhất một số báo danh. Số báo danh của thí sinh gồm 6 chữ số được đánh tăng dần, liên tục đến hết số thí sinh của Hội đồng coi thi, đảm bảo trong Hội đồng coi thi không có thí sinh trùng số báo danh;
Trong trường hợp hội đồng coi thi ghép hoặc thi liên trường, việc lập danh sách thí sinh dự thi ở mỗi phòng thi được thực hiện theo các bước như trên đối với từng trường.
Mỗi phòng thi có 24 thí sinh và không quá 28 thí sinh. Trong trường hợp đặc biệt, có thể xếp thí sinh dự thi các môn Ngoại ngữ khác nhau trong cùng một phòng thi nhưng phải thu bài riêng theo môn. Trong trường hợp đặc biệt, có thể xếp thí sinh dự thi các môn Ngoại ngữ khác nhau trong cùng một phòng thi nhưng phải thu bài riêng theo môn.
Các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ cộng điểm khuyến khích (nếu có) gồm: Chứng nhận nghề phổ thông; Chứng nhận đoạt giải trong các kỳ thi do ngành Giáo dục tổ chức hoặc phối hợp với các ngành chuyên môn khác từ cấp tỉnh trở lên tổ chức, gồm: thi học sinh giỏi các môn văn hoá; thi thí nghiệm thực hành (Vật lí, Hoá học, Sinh học); thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế;
Về đối tượng được miễn thi theo dự kiến vẫn giữ như năm trước. Cụ thể, người học lớp 12 được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ.
Đối với người học khiếm thị, khuyết tật: Học hết chương trình trung học phổ thông; đủ điều kiện dự thi theo quy định. Được các cơ sở y tế và trường phổ thông nơi học tập xác nhận tình trạng khiếm thị, khuyết tật.
Mức cộng điểm khuyến khích, học sinh tham gia các cuộc thi và các hoạt động dưới đây được cộng điểm khuyến khích khi công nhận tốt nghiệp với mức điểm như sau: Đạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm - thực hành bộ môn (Vật lí, Hoá học, Sinh học); thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học phổ thông.
Cách tính điểm xét tốt nghiệp năm nay cũng thay đổi. Điểm số này được tính bằng tổng số điểm 4 bài thi và điểm khuyến khích chia 4, sau đó cộng với điểm trung bình của năm học lớp 12 rồi chia đôi (điểm xếp loại tốt nghiệp không cộng điểm khuyến khích)./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.