(HNM) - Tình hình tham ô, hối lộ diễn biến phức tạp, nhưng khi xét xử những vụ án lớn thì án treo rất nhiều. Chính phủ báo cáo có 113.000 cán bộ đã kê khai tài sản thu nhập (đạt 97,9%) nhưng việc chi lương khủng của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích ở TP Hồ Chí Minh kéo dài nhiều năm
Đây là những tồn tại được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chỉ rõ trong phiên thảo luận hôm qua (18-9) về công tác phòng chống tham nhũng từ đầu năm đến nay.
4 người bị xử lý hình sự vì tham nhũng
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, năm 2013, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt kết quả tích cực. Trong 8 tháng năm 2013, cơ quan chức năng đã phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Đã có 36 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng, trong đó 4 người bị xử lý hình sự. Cùng thời gian này, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 78,5 tỷ đồng, đã thu hồi 37,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về các vấn đề KT-XH ở nhiều địa phương, Ủy ban Tư pháp của QH nêu ý kiến, con số trên chưa phản ánh hết tình hình tham nhũng đang diễn ra. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện, người dân ngày càng tỏ thái độ bất bình và mất niềm tin khi phải chứng kiến trực tiếp hay gián tiếp những biểu hiện xuống cấp của một số cán bộ. Nỗi bất bình, thất vọng càng lên cao khi việc xử lý đối với một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp vẫn bị kéo dài dù đã được cơ quan chức năng theo dõi, đôn đốc. Đặc biệt, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung, án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đối với tội tham nhũng chiếm tỷ lệ cao. Nhóm bị cáo được "đỡ án" này chiếm hơn 31% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử.
Một bất cập nữa cũng được các đại biểu chỉ rõ, đó là những con số thống kê của Thanh tra Chính phủ như trong năm 2012, có 113 nghìn người kê khai tài sản lần đầu, (đạt 97,9%) được UBTVQH cho là không mang lại nhiều ý nghĩa. Điển hình là việc chi lương khủng của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích ở TP Hồ Chí Minh kéo dài nhiều năm mà không phát hiện cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng chống tham nhũng này. Trong khi đó việc xử lý người đứng đầu có biểu hiện không nghiêm minh. Theo tính toán của Ủy ban Tư pháp của QH, số lượng các vụ án tham nhũng năm 2013 được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm lãnh đạo đơn vị để xảy ra tham nhũng lại giảm 34% so với cùng kỳ năm 2012.
Báo cáo chưa toàn diện
Góp ý vào báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thẳng thắn nhận xét, QH cần địa chỉ các bộ, các tỉnh nào kém nhất trong vấn đề chống tham nhũng để chỉ đạo đấu tranh có trọng điểm. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị học tập cách làm của Ủy ban Kiểm tra TƯ, cứ 3-4 tháng một lần công bố công khai tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng để lấy lại lòng tin của cán bộ, nhân dân. "Tôi được biết, một số doanh nghiệp còn lên Bộ KH&ĐT chạy dự án. Cán bộ ở các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc mua nhà tiền tỷ ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội rất nhiều, sau này về nghỉ hưu sẽ ở. Cần đánh thẳng vào những địa chỉ này và nêu danh tính cụ thể vì đó là những "con cá" lớn"- ông Ksor Phước nói.
Cùng chung quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đánh giá: Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng là của Chính phủ, do Thanh tra Chính phủ đại diện báo cáo và còn với tư cách là những người thực hiện, chịu trách nhiệm trước QH nhưng chưa rõ tình hình, số liệu, xử lý, kiến nghị về tham nhũng. Trong khi đó, tham nhũng phổ biến, nghiêm trọng mà phát hiện ít, thu hồi tiền ít, đất đai lại càng ít. Đặc biệt là phần lớn các vụ có dấu hiệu tham nhũng phát hiện đều được xử lý hành chính.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với đánh giá là năm 2013 công tác phòng ngừa tội phạm có tiến bộ nhất định, nhưng bày tỏ thái độ rất phân vân vì báo cáo của Chính phủ chưa toàn diện. Theo Chủ tịch QH, cách đánh giá như vậy không khác gì mọi năm. Trong khi đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, không còn các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trong hệ thống hành pháp, thì công tác phòng chống tham nhũng không thể không có thêm điểm mới. Ngoài ra, trong lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiêu cực không, có bỏ sót, bao che không, có tham nhũng không? Bên cạnh thanh tra, các ngành kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án thì sao? Đã làm hết trách nhiệm chưa? Công luận thế giới, báo chí đánh giá tham nhũng của Việt Nam như thế nào, tụt bậc hay lên bậc? Đó là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Cùng ngày, UBTVQH đã xem xét kế hoạch kiểm toán năm 2014. Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, dự kiến, tổng số cuộc kiểm toán trong năm 2014 sẽ là 160, tăng 12 cuộc so với năm 2013. Riêng lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng tăng 14 đầu mối so với năm trước, với 43 cuộc. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, ngoài nội dung nêu trên, cần kiểm toán một số công trình xây dựng trụ sở các cơ quan TƯ. Cụ thể là việc làm nhà QH, trụ sở Bộ CA, Bộ Ngoại giao. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.