(HNMO) - Đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở nhằm xây dựng chính sách nhà ở xã hội; thành lập Quỹ phát triển nhà ở; sự cần thiết phân chia rõ vai trò công - tư với việc thành lập tổng công ty đất đai của Nhà nước nhằm thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng chung, từ đó kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội... thay vì đẩy hết vào các doanh nghiệp tư nhân như hiện nay.
Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo kết thúc và bàn giao sản phẩm dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030" do Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức chiều 20-4 tại Hà Nội.
Dự án do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại, được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ tháng 11-2018) với mục tiêu nâng cao quyền được có nhà ở của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân ở các khu công nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.
Kết quả vẫn hạn chế
Bộ Xây dựng cho biết, đến nay cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội (104.200 căn, tương ứng hơn 5,21 triệu m2 sàn), chỉ đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở). Việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra do vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 2.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu). Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí.
Tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội...
Ngoài ra, cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), những vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội rất cần được tháo gỡ. Cụ thể là: Thời gian thông báo và tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội kéo dài; các thủ tục xác nhận thông tin, nhân thân người mua phức tạp, một số thủ tục khó khả thi; thời gian khách hàng vay mua nhà còn ngắn; các quy định khấu trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật dự án chưa rõ ràng...
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng cho biết, từ năm 2018, Bộ Xây dựng và KOICA, dưới sự cho phép của Chính phủ hai nước, đã bắt đầu hợp tác thực hiện dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030", nhằm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế; khảo sát tình hình thực tế của Việt Nam để đề xuất cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội trong thời gian tới của Việt Nam.
Nhiều đề xuất đáng chú ý
Thông tin về dự án, ông Cho Han Deog, Giám đốc Văn phòng KOICA Việt Nam cho biết, dự án đã phân tích toàn diện điều kiện phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam, như khảo sát hiện trạng, tính toán nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, từ đó xây dựng mục tiêu, xác định tiêu chuẩn nhà ở tối thiểu, đề xuất mô hình cung cấp nhà ở xã hội và tài chính; đề xuất các cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam.
Ông Moon Hyogon, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu kế hoạch và quản lý, Viện Nghiên cứu nhà ở và đất đai Hàn Quốc cho hay, ước tính, giai đoạn 2021-2030, nhu cầu nhà ở xã hội cho hộ thu nhập thấp tại các đô thị tại Việt Nam khoảng hơn 31 triệu m2 sàn (465.467 căn), và khoảng 21,93 triệu m2 (520.073 căn) sàn nhà ở xã hội cho công nhân tại các cụm công nghiệp.
"Chúng tôi đưa ra các chính sách cần thiết để đạt được các mục tiêu này trong từng lĩnh vực, chẳng hạn như đất đai, tài chính nhà ở và mô hình cung ứng...", ông Moon Hyogon chia sẻ.
Đáng chú ý, tại dự án, thay vì trông chờ vào các doanh nghiệp tư nhân như hiện nay, các chuyên gia Hàn Quốc đề xuất cần tăng cường vai trò của khu vực công (thành lập và vận hành các tổng công ty nhà ở) trong việc phát triển đất đai và xây dựng nhà ở xã hội trên cơ sở cung cấp cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất...
Các chuyên gia cũng đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở nhằm bảo đảm nguồn tài chính ổn định cho phát triển nhà ở xã hội, huy động từ quỹ đất, tiền chủ đầu tư nộp cho chính quyền, từ nguồn tiết kiệm vay vốn mua nhà, phát hành trái phiếu...
Thông tin về kết quả dự án, ông Bùi Xuân Dũng cho biết, đến nay, dự án đã đi vào giai đoạn cuối và đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Nhiều sáng kiến, đề xuất của dự án đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham khảo vận dụng trong việc xây dựng chính sách nhà ở xã hội, như: Đề xuất về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; cải cách thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hoàn thiện các quy định về ưu đãi và thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội... được thể hiện ngay trong Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Thời gian tới, khi đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, Bộ Xây dựng cũng sẽ tham khảo các kinh nghiệm của phía Hàn Quốc trong phát triển nhà ở xã hội và nghiên cứu, đánh giá các kết quả của dự án, làm cơ sở để rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, đáp ứng sự kỳ vọng của nhóm đối tượng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.