(HNMO) - Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Tại văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phân chia gói thầu tại dự án với phạm vi khoảng 20-40km/gói thầu và mỗi gói thầu có giá trị dự kiến khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng. Khi đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với chiều dài khoảng 729km, dự kiến chia khoảng 30 gói thầu. Số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/gói thầu. Đề xuất này được báo cáo dựa trên các quy định của pháp luật về xây dựng và đấu thầu và năng lực thực tế của các nhà thầu, tư vấn giám sát hiện nay.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng và đăng tải công khai tiêu chí lựa chọn nhà thầu (yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm) để các nhà thầu tiếp cận thông tin, tự đánh giá khả năng thực hiện; tìm kiếm đối tác đủ điều kiện, đáp ứng tiêu chí để liên danh đăng ký tham gia gói thầu.
Liên quan đến kiến nghị trên, một số ý kiến cho rằng, đề xuất chia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thành 30 gói thầu giá trị từ 3.000-5.000 tỷ đồng của Bộ Giao thông Vận tải là hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Mức giá trị đề xuất này vừa đủ để loại bỏ những nhà thầu nhỏ ít kinh nghiệm, tạo điều kiện cho nhà thầu lớn thể hiện được năng lực, vừa giúp dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam không bị "cắt lát", thi công manh mún, ảnh hưởng đến sự đồng bộ về tiến độ và chất lượng trong quá trình triển khai.
"Thực tiễn cho thấy, nếu chia các gói thầu giá trị từ 5.000-10.000 tỷ đồng, hiếm có nhà thầu nào đáp ứng đủ điều kiện. Các nhà thầu sẽ rơi vào cảnh đáp ứng tiêu chí năng lực nhưng không thể đáp ứng điều kiện doanh thu và ngược lại" - Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nhận định.
Cũng đánh giá việc phân chia gói thầu với giá trị 3.000-5.000 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải là cơ bản hợp lý, song ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) kiến nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu áp dụng mô hình tổng thầu, lựa chọn một nhà thầu từng thi công một tỷ lệ lớn đường cao tốc, hiểu được yêu cầu kỹ thuật, thay vì lựa chọn hình thức liên danh để tối ưu hiệu quả. Tổng thầu này sẽ chịu trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực, tài chính, lựa chọn thầu phụ (cầu, đường...) có đủ năng lực tham gia gói thầu sao cho công trình đạt được chất lượng tốt nhất.
Trường hợp áp dụng mô hình tổng thầu, các cấp chức năng có thể vận dụng linh hoạt hệ thống pháp luật liên quan hiện nay để giá trị gói thầu có thể được nâng lên cao hơn 5.000 tỷ đồng, thậm chí là 10.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn được tham gia khối lượng công việc lớn và giảm áp lực cho bộ máy quản lý dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.