(HNMO) - Hôm nay, 13-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 10 (diễn ra từ nay đến 22-8). Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 10 của UBTVQH. Ảnh: VGP |
Báo cáo với UBTVQH, đại diện cơ quan thẩm tra luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho biết, qua cân nhắc nhiều khía cạnh, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, không nên cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật tại các trường được hành nghề luật sư. Vì sẽ làm phân tán nguồn lực và tạo ra khả năng làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Hơn nữa, hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng (tức là chủ yếu được tiến hành trong giờ hành chính), do đó nếu giảng viên được hành nghề luật sư sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy.
Về vấn đề này, Chính phủ cho rằng, trong hơn 1.500 viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hiện nay, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu về pháp luật và tập quán quốc tế. Việc cho phép đội ngũ này làm luật sư sẽ bổ sung một số lượng đáng kể luật sư trong tình hình hiện nay. Để viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được làm “thầy cãi” còn là sự tương tác rất cao từ lý thuyết và thực tiễn vì giảng viên là người nắm vững kiến thức về pháp luật. Do đó nên chọn cách làm dung hòa: cho phép viên chức là giảng viên các trường luật được hành nghề luật sư, nhưng không được tham gia tố tụng để tận dụng chất xám của đội ngũ này. Đa số ý kiến trong UBTVQH và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng thuận với đề xuất này.
Về quy trình bào chữa cho luật sư, Chủ nhiệm Văn phòng QH, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất QH nên xem xét cho luật sư được tiếp cận vụ án ngay đầu và đề nghị bỏ quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong dự thảo Luật để bảo vệ quyền lợi người bị hại, hạn chế án oan sai và đảm bảo chất lượng tranh tụng
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về việc thành lập Vụ Thi đua, Khen thưởng và Công tác chính trị của Tòa án nhân dân tối cao. Tiếp đó, UBTVQH cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài và Nghị định quy định tổ chức lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.