(HNM) - Những con đường oằn mình chịu đựng sự tàn phá không thương tiếc; những tai nạn đau lòng từ những chiếc xe được ví như “hung thần” trên đường; những mối bất an của người dân mỗi khi tham gia giao thông, thậm chí cả sự nơm nớp lo sợ của người dân sống hai bên quốc lộ, tỉnh lộ… là một hiện thực do những chiếc xe quá tải, quá khổ gây nên.
Và việc chống xe quá tải, quá khổ được gọi là “cuộc chiến” - một cuộc chiến không dễ dàng mà ngược lại, vô cùng cam go.
Thật mừng khi đánh giá của cơ quan chức năng rằng, lượng xe quá khổ, quá tải hoành hành trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hiện chỉ còn khoảng 10% so với các giai đoạn trước đây. Nhưng cũng thật lo khi các nhà chuyên môn nhận định: Thủ đoạn hoạt động của người điều khiển những chiếc xe khổng lồ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Tuy lượng xe quá tải đã giảm sâu nhưng chưa thực sự bền vững, bởi thực tế thời gian qua đã có tình trạng xe quá tải “dạt” sang hoạt động ở một số tuyến đường nhỏ, đường tắt, và dĩ nhiên sự tàn phá của chúng khốc liệt không kém.
Có thể nói, với con số 10%, kết quả của “cuộc chiến” chống xe quá tải, quá khổ đang cho chúng ta hy vọng sớm tiến đến điểm kết thúc. Nhưng làm cách nào để chấm dứt “cuộc chiến” ấy lại là một vấn đề không hề đơn giản. Qua phản ánh của báo chí và dư luận cho thấy, xe quá tải hoành hành có phần trách nhiệm không nhỏ của lực lượng chức năng một số địa phương khi có dấu hiệu buông lỏng, thậm chí tiêu cực, để các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở hàng quá tải vẫn lưu thông.
Tình trạng “né” trạm cân, tránh cảnh sát hoặc thanh tra giao thông đã không còn là chuyện hiếm, mà nó phổ biến ở hầu khắp địa phương, không loại trừ có cả hiện tượng "bảo kê". Người đứng đầu Tổng cục Đường bộ, trong một cuộc họp vào giữa tháng 11 vừa qua cũng thừa nhận: “Xe đường dài không vi phạm vì không thể bảo kê được dọc đất nước, chủ yếu là nội tỉnh”.
Rõ ràng rằng, để xóa nốt con số 10% không hề dễ, nhưng cũng không có nghĩa là không thể làm được. Ở đây đòi hỏi có sự chung sức, chung lòng và sự nỗ lực, nghiêm túc của nhiều lực lượng. Ngoài việc phải tuyên truyền để nâng cao tinh thần tự giác chấp hành pháp luật của người dân thì trước mắt, các lực lượng cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 25-11-2016 của Thủ tướng về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.
Giữ vai trò chủ chốt trong việc này là Bộ Giao thông - Vận tải, nhất là tập trung huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định kết hợp với trạm thu phí. Đồng thời rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc kiểm soát tải trọng phương tiện, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, các quy định về tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ...
Để không chỉ là xử lý phần "ngọn", đòi hỏi lực lượng Thanh tra giao thông vận tải tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện, nhất là vi phạm về kích thước thùng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực bến bãi, nhà ga, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô... Đây chính là cách để ngăn chặn kịp thời các xe quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường bộ.
Đối với địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm. Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.