Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để việc trùng tu di tích đạt kết quả

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 27/11/2010 07:51

(HNM) - Sau khi Báo Hànộimới đăng loạt bài


Đình Chu Quyến (Ba Vì) sau khi trùng tu.


Ông Trần Hoàng Long (phường Bồ Đề, quận Long Biên): Cần sớm ban hành bộ quy chuẩn quốc gia về trùng tu di tích...


Di tích Ô Quan Chưởng sau khi chịu nhiều điều tiếng dư luận cũng được Hội đồng Tư vấn khoa học đánh giá là thực hiện đúng quy trình. Điều đó chứng tỏ, đánh giá việc trùng tu một di tích lịch sử có được thực hiện đúng quy trình, đúng nguyên mẫu... hay không, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chứ không đơn giản chỉ là việc cảm nhận trực quan. Cần phải khẳng định, việc trùng tu, tôn tạo các di tích là vô cùng cần thiết. Bởi nếu không trùng tu, tôn tạo, chắc chắn các di tích lịch sử không chỉ xuống cấp mà có nguy cơ biến mất hoàn toàn trước sự khắc nghiệt của khí hậu và thời gian. Tuy nhiên, để tránh tình trạng "ông nói xuôi, bà nói ngược" như thời gian qua, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn quốc gia về trùng tu di tích. Đây sẽ là "điểm tựa" cho các đơn vị thi công, đồng thời là căn cứ cho việc đánh giá, thẩm định công tác trùng tu sau này...

Ông Hà Phương (phường Định Công, quận Hoàng Mai):Tham khảo ý kiến của các nhà khoa học và người dân là việc cần làm trước khi trùng tu di tích...

Trong khi hàng loạt di tích lịch sử trên địa bàn thành phố sau khi trùng tu đều bị rơi vào "tầm ngắm" của dư luận, thì việc tháng 10 vừa qua, đình Chu Quyến (Ba Vì) giành được giải thưởng bảo tồn di sản của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) thực sự là một tin vui. Theo tôi, từ sự kiện này, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Điều đặc biệt quan trọng, đó là lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học và người dân trước khi bắt tay vào trùng tu di tích. Đây là điều dường như xưa nay chưa có đơn vị trùng tu di tích nào quan tâm, thực hiện. Hầu hết các di tích đều được các đơn vị thi công quây bạt, phủ kín trong quá trình trùng tu, chỉ đến khi khánh thành, người dân mới được biết. Chính vì không biết nên người dân không thể đưa ra so sánh chính xác về sự khác biệt của di tích trước và sau khi được trùng tu. Nếu như chúng ta làm tốt việc công khai lấy ý kiến người dân trước khi trùng tu một di tích lịch sử, thì chắc chắn sẽ nhận được nhiều đóng góp, chia sẻ quý báu cả về vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân...

Ông Nguyễn Xuân Trung (phường Phương Liên, Đống Đa): Không để tái diễn tình trạng, sau trùng tu, di tích thành... "hàng nhái"!

Đền, đình Kim Liên là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long. Cuối năm 2008, khu di tích này được tu bổ, tôn tạo tổng thể. Tuy nhiên, việc "làm mới" cổng đình Kim Liên khiến một số chuyên gia và cả người cao tuổi trong làng băn khoăn. Cổng đình cũ là dạng cổng phổ biến trong kiến trúc cổ truyền của Việt Nam nay được thay thế bằng cổng mới hoành tráng hơn nhưng chưa ăn nhập với cảnh quan đình, bình phong cũ mềm mại được xây mới sừng sững trước cổng, che chắn mất tầm nhìn. Theo tôi, việc học tập, tiếp thu cái mới, cái đẹp luôn là điều nên làm nhưng không thể áp dụng trong việc tôn tạo, di tích vì di tích đẹp ở tính lịch sử, tính riêng biệt. Mỗi di tích có một đặc trưng khác nhau, công việc trùng tu là phải bảo tồn được nét khác biệt đó. Nếu không, sau khi nhiều di tích được trùng tu, chúng ta không phân biệt được đâu là cổng đình Kim Liên, chùa Láng hay bất kỳ di tích nào, vì các di tích trở thành "hàng nhái" của nhau...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để việc trùng tu di tích đạt kết quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.