Ngày 9/8, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Ngày 9/8, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Khó kiểm soát thu nhập bằng tiền
Theo kết quả khảo sát do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới trong năm 2012 đối với gần 2.000 cán bộ, công chức (CBCC) ở 10 địa phương và 5 bộ, ngành cho thấy, 79% CBCC trả lời có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, 20% không có và 1% không trả lời. Trong đó, các khoản thu nhập ngoài lương đến từ nhiều nguồn như: tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp; tiền được chia từ các khoản hoa hồng hoặc quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu, tặng...
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. |
Ở đây, minh bạch tài sản, thu nhập được coi là giải pháp then chốt trong phòng ngừa tham nhũng nhưng thực tiễn thực hiện còn mang tính hình thức; kê khai thu nhập bằng tiền hầu như không thực hiện được.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: Nếu không có cơ chế kiểm soát thu nhập hiệu quả, người có chức vụ, quyền hạn sẽ dễ dàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái quy định của nhà nước để tham ô, nhận lối hộ bởi trên thực tế việc phát hiện hành vi của họ không dễ. Điều đó cũng có nghĩa thu nhập có được từ hành vi vi phạm này cũng sẽ dễ dàng được hợp pháp hóa thành tài sản riêng.
Cần có chế tài xử lý đối với đối tượng kê khai sai tài sản, thu nhập
Theo Dự thảo Đề án, đối tượng được kiểm soát thu nhậpbao gồm: Thứ nhất, là từ cấp phó phòng trở lên và thứ hai là đối với tất cả cán bộ, công chức. Về thu nhập thuộc phạm vi kiểm soát của đề án này là các nguồn thu nhập thuộc 3 nhóm cơ bản: Nhóm một thuộc thu nhập từ ngân sách nhà nước; nhóm hai là nhóm thu nhập chịu thuế và không chịu thuế thu nhập cá nhân từ các giao dịch kinh tế, tiền thưởng…; nhóm ba là nhóm thu nhập từ quà tặng, quà biếu, tiền thưởng, hoa hồng…
Cơ bản nhất trí với nhóm đối tượng quy định trong dự thảo, song đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, việc thực hiện cần phải có lộ trình, trong đó nên xác định đối tượng nào kiểm soát đầu tiên. Để kiểm soát được thu nhập cá nhân thì mọi thanh toán tài chính phải qua tài khoản. Nhóm thứ 3 lànhóm thu nhập từ quà tặng, quà biếu, tiền thưởng, hoa hồng…kiểm soát rất khó cho nên cần phải có chế tài xử lý đối với những trường hợp có hành vi kê khai, giải trình tài sản, thu nhập gian dối. Thực tế cho thấy, sau khi tiếp nhận bản kê khai, cơ quan quản lý cán bộ, công chức chỉ làm nhiệm vụ lưu hồ sơ mà chưa có cơ chế giải trình, kiểm tra, xác minh.
Đồng quan điểm, đại diện đến từ Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị cần phải có chế tài đối với các đối tượng phải kê khai như: kê khai không đúng thì xử lý thế nào?. Cùng với đó, cần có các giải pháp để ngăn chặn, kiểm soát được việc mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, vị đại diện này lại cho rằng đối tượng quy định kiểm soát trong Đề án hiện nay “thừa nhiều, thiếu cũng nhiều”. Dẫn chứng đối tượng quá rộng nhưng thiếu đối tượng phải kê khai và lại không đưa trọng tâm, trọng điểm hay những người có quyền hạn đôi khi chưa có chức vụ gì cả như người đóng dấu ở ủy ban cũng được đưa vào diện đối tượng phải kiểm soát thu nhập. Theo đó, đề nghị bổ sung thêm giải pháp kiểm soát của xã hội; khuyến khích các cơ quan xã hội, cá nhân hoạt động tài chính qua ngân hàng và tiến tới giao dịch tài chính minh bạch.
Theo ông Vũ Đức Tâm,Vụ phó Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành, Thanh tra Chính phủ, không quản lý tốt thu nhập thì chống tham nhũng sẽ không hiệu quả. “Cần xem lại đối tượng. Con cái của người có chức vụ quyền hạn có phải kê khai không?” – ông Tâm băn khoăn.
Nhấn mạnh đây là đề án được đông đảo nhân dân đồng tình, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng đối tượng kiểm soát cần được mở rộng hơn, không nhất thiết phải khoanh vùng. Về lâu dài phải kiểm soát cả khoản chi.
Ở một khía cạnh khác, đại diện Kho bạc Nhà nước đưa quan điểm, nên chăng phải làm rõ việc những cơ chế, vướng mắc khi thực hiện kiểm soát. Việc chi trả lương qua tài khoản đã được thực hiện theo đề án không thanh toán bằng tiền mặt mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện, cho đến nay thì việc chi trả qua tài khoản không chỉ có lương mà còn các khoản thưởng. Nhưng vẫn có vướng mắc chính là tất cả các nơi vùng sâu, vùng xa rất khó thực hiện.
Nhiều đại biểu cũng đề xuất, phải thanh kiểm tra thường xuyên đối với những đối tượng có khả năng thu nhập bất minh, phải định kỳ thời gian thanh tra cụ thể với những người có chức vụ, quyền hạn.../.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.