Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để văn hóa thực sự thăng hoa

Hà Anh| 25/11/2021 09:41

(HNMCT) - Cách đây tròn 75 năm, ngày 24-11-1946, đúng thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, đất nước sắp sửa bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trước hơn 200 đại biểu là những nhân sĩ, văn nghệ sĩ tiêu biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ của văn hóa mới, đó là “phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”... Chưa đầy hai năm sau, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra từ ngày 16 đến 20-7-1948 (tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), trong bối cảnh kháng chiến đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Trong thư chúc mừng, động viên hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi văn nghệ sĩ “từ nay trở đi chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”…

Có thể nói, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai chính là hai “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, thể hiện tầm nhìn chiến lược cũng như sự quan tâm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với văn hóa nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng. Thậm chí, như một nhà báo quốc tế sau này thốt lên: “Thật là một sự kỳ diệu khi trong hoàn cảnh như vậy, dân tộc các anh đã kháng chiến và còn xây dựng nền văn nghệ cho nhân dân!”.

Thấm nhuần quan điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng”, trong suốt 3/4 thế kỷ qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển văn hóa. Phải khẳng định, việc triển khai những chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa trong nhiều năm qua đã góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu đáng kể về phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Văn hóa được quan tâm chú trọng, phát huy bằng mọi nguồn lực đầu tư. Không chỉ là giá trị tinh thần, văn hóa còn mang giá trị động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và là yếu tố cần thiết trong xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. 

Với bề dày hơn 1.000 năm lịch sử, không chỉ là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính, kinh tế, giáo dục của quốc gia mà Thăng Long - Hà Nội còn luôn là trung tâm văn hóa lớn của đất nước, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa tinh hoa mọi miền đất nước. Những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến đã hình thành nên kho tàng di sản vô cùng đồ sộ. Với gần 6.000 di tích trên địa bàn, phong phú, đa dạng về chủng loại, trong đó có 1 Di sản thế giới, 3 Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, 1 Di sản tư liệu thế giới..., Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng di tích. Bên cạnh đó, Hà Nội sở hữu rất nhiều danh lam thắng cảnh - những di sản thiên nhiên nổi tiếng, cùng với đó là hệ thống di sản phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng (lễ hội truyền thống, nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian, di sản ngữ văn, chữ viết, tri thức dân gian…). Đặc biệt, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc, vì thế người Thủ đô tiêu biểu cho cả nước về mọi mặt, cao đẹp về văn hóa, tâm hồn, trí tuệ cũng như phong cách, lối sống, ứng xử thanh lịch, văn minh... Những giá trị truyền thống, phẩm chất, cốt cách nổi trội ấy chính là cơ sở để Hà Nội được bạn bè quốc tế trao tặng những danh hiệu cao quý: “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”... Và đó cũng chính là “sức mạnh mềm” - nguồn tiềm năng, nguồn lực nội sinh vô cùng to lớn của Hà Nội. Và trong những năm qua, những giá trị văn hóa - tinh thần ấy luôn được quan tâm, bảo tồn, phát huy, góp phần đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, trong bối cạnh kinh tế thị trường phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát trong gần 2 năm qua, cùng với kinh tế - xã hội, sự nghiệp phát triển văn hóa, con người của Hà Nội cũng như cả nước đã và đang đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức, đồng thời bộc lộ không ít bất cập cần điều chỉnh. Bởi thế, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này là dịp để chúng ta đánh giá những thành tựu đạt được và những kinh nghiệm cần được phát huy, nhận diện rõ những tồn tại, thách thức, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, góp ý của những người làm văn hóa nghệ thuật, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với đòi hỏi thực tiễn, để văn hóa thực sự thăng hoa, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh trong sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để văn hóa thực sự thăng hoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.