Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để văn hóa là động lực phát triển

Thủy Tiên| 11/01/2015 06:06

(HNM) - Những quy định, cơ chế không phù hợp cho sáng tạo, thúc đẩy sáng tạo văn hóa thì cần phải đổi mới, đó là quan điểm của GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương đưa ra tại hội thảo quốc gia "Những giải pháp tổ chức triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TƯ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước" tổ chức ngày 9-1 ở Hà Nội.

Văn hóa là linh hồn của một dân tộc. Không một dân tộc nào, quốc gia nào không bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa khác, vì thế văn hóa luôn bao gồm văn hóa nội sinh và ngoại sinh. Trong một thế giới phẳng như hiện nay, khi internet trở thành phương tiện hữu ích kết nối văn hóa giữa các dân tộc trên khắp thế giới chỉ bằng một cái nhấp chuột thì càng khó tránh được sự xâm nhập văn hóa. Thế nên trong sáng tạo văn hóa, kể cả dựa vào cái của người khác để tạo ra cái của mình là cần thiết, điều đó sẽ làm cho văn hóa Việt Nam phong phú hơn, đa dạng hơn. Và một nền văn hóa mạnh có thể miễn dịch với những sản phẩm văn hóa độc hại. Vì thế cơ chế để văn hóa trong nước có nhiều cơ hội sáng tạo và phát triển là vô cùng quan trọng.

Từ xưa đến nay, văn hóa nghệ thuật có các chức năng cơ bản là giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ, nói cách khác văn hóa, nghệ thuật góp phần bồi đắp nhân cách, phẩm giá cho con người. Sứ mạng lớn lao như vậy nhưng GS.TS Phùng Hữu Phú đã "phàn nàn" vấn đề này trong hội thảo: "Nhuận bút chỉ đủ mua vài cuốn sách tặng bạn bè và một bữa bia thì không thể kích thích người ta viết sách hay". Sự thật là chế độ nhuận bút đã lỗi thời, nó không hề thay đổi bao nhiêu năm nay, vẫn ở mức 10% giá bìa nhân với số lượng bản in trong khi Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh tỷ giá tiền đồng Việt Nam với đồng đô la Mỹ. Lại thêm những bất cập trong quản lý dẫn đến tác giả không thể biết nhà xuất bản thực in bao nhiêu bản, chưa kể sách lậu tràn lan làm cho ngành xuất bản phát triển méo mó. Cũng từ lâu, cơ quan chức năng vẫn cứ tính một mét khối sáng tạo điêu khắc chỉ hơn chút xíu, không đáng kể so với một mét xây dựng thô thì làm sao kích thích được sáng tạo nghệ thuật điêu khắc. Với điện ảnh, cơ chế tài chính giới hạn cộng với quan niệm thẩm mỹ cũ kỹ nên phim nhà nước đặt hàng chỉ ra rạp vài buổi rồi cất vào kho. Ở tầm quốc gia hiện nay cũng đang thiếu những quỹ dành cho sáng tạo thể nghiệm văn hóa.

Cơ chế cho sáng tạo và phát triển văn hóa chưa đầy đủ cùng những chính sách không còn phù hợp đã tạo cơ hội cho văn hóa nước ngoài dễ dàng xâm nhập. Một thực tế là rất nhiều thanh niên hiện nay mê đắm KPop và nhiều ca sĩ Hàn Quốc là thần tượng của giới trẻ. Phim truyền hình Hàn Quốc dài tập cũng mê hoặc người trung và cao tuổi. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, phim ảnh, ca nhạc và nói chung là văn hóa của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu khán giả trong nước thì việc họ thích các sản phẩm văn hóa nước ngoài cũng là dễ hiểu, nhưng đáng lo lắng sự thiếu và bất cập trong chính sách là những nguyên nhân gây ra khủng hoảng thẩm mỹ, lệch chuẩn văn hóa. Không có sáng tạo thì nền văn hóa của quốc gia đó giậm chân tại chỗ.

Nghị quyết của Trung ương về bảo tồn và phát triển văn hóa là định hướng, để nghị quyết đi vào cuộc sống cần phải thể chế hóa bằng pháp luật. Phải xem xét cơ chế nào không còn phù hợp, cơ chế nào đang kìm hãm sức sáng tạo của văn hóa; đồng thời phải có cơ chế cụ thể để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…, chỉ như vậy thì văn hóa mới thực sự là động lực cho phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để văn hóa là động lực phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.