Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn

Gia Khánh| 06/05/2023 06:08

(HNM) - Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đề xuất nhằm thiết lập sự công bằng về thuế, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Nôm na, mức thuế tối thiểu 15% sẽ áp dụng với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 800 triệu USD trở lên trong 2 năm của 4 năm gần nhất.

Nếu công ty đa quốc gia đó đang đóng mức thuế ở nước đến đầu tư thấp hơn 15% thì phần chênh lệch sẽ phải đóng ở nước đặt trụ sở chính. Ở khía cạnh tích cực, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể thu hẹp phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhưng ngược lại, thuế tối thiểu toàn cầu, có thể làm mất đi ưu thế thu hút đầu tư nước ngoài, giữ chân nhà đầu tư lớn bằng chính sách ưu đãi thuế.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam thuế thu nhập doanh nghiệp phổ biến là 20%. Tùy từng lĩnh vực, doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi khác nhau về thuế, song tính trung bình mức thuế mà nhóm doanh nghiệp này được hưởng vào khoảng hơn 12%, thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu. Thực tế, có doanh nghiệp còn được miễn thuế thu nhập trong một thời gian hoặc chỉ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi có lãi.

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp FDI, vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu đã được hầu hết doanh nghiệp quan tâm. Nhà đầu tư muốn biết phản ứng của Việt Nam với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và nếu áp dụng, các chính sách ưu đãi khác là gì? Việc phản ứng sớm với thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ giúp Việt Nam tránh được bất lợi, tận dụng cơ hội. Tất nhiên điều đó liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, chính sách, quy định khác nhau.

Trở lại với việc làm thế nào để giữ ưu thế thu hút đầu tư nước ngoài, các chuyên gia đều cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Đó là sự ổn định chính trị, xã hội; quy định pháp luật thông thoáng, minh bạch, cơ chế thực thi hiệu quả. Thực tế, môi trường đầu tư, kinh doanh mới là yếu tố chính bảo đảm sự phát triển bền vững và cần được cải thiện không ngừng, trong mọi hoàn cảnh. Thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam liên tục ghi điểm trong mắt nhà đầu tư nhờ nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các cấp, ngành, song cũng còn không ít vướng mắc, rào cản cần tiếp tục tháo gỡ.

Đi cùng với môi trường đầu tư là các yếu tố hỗ trợ khác, như mức độ sẵn sàng của chuỗi cung ứng, của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; là nguồn nhân lực chất lượng; là hạ tầng giao thông, công nghiệp... Việt Nam có thế mạnh nhờ vị trí địa lý thuận lợi, bờ biển dài, nằm trên trục giao thương chính của thế giới, song vấn đề hạ tầng kết nối như mạng lưới đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy, mạng lưới logistics cần phải được đầu tư, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam có ưu thế về nguồn nhân lực trẻ, nhân lực giá rẻ, nhưng Việt Nam cần có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành thiết bị, máy móc hiện đại, dây chuyền sản xuất tự động chứ không chỉ là những công đoạn sản xuất giản đơn. Đặc biệt trong quá trình hội nhập sâu, rộng, đòi hỏi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu, nhân lực chất lượng cao là yếu tố rất quan trọng để giữ chân nhà đầu tư lâu dài.

Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, phát huy các lợi thế cạnh tranh bên cạnh chọn lựa lĩnh vực đầu tư phù hợp cùng với phản ứng chính sách nhanh nhạy là yếu tố để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.