(HNM) - Mười hai năm thực hiện chương trình Tiếp sức mùa thi, tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên đã hỗ trợ hàng triệu lượt thí sinh và người nhà, được xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Các tình nguyện viên trước giờ ra quân Tiếp sức mùa thi. Ảnh: Duy Tường |
Cần một công cụ tra cứu hiệu quả
Có mặt tại các nhà ga, bến xe trong những ngày thí sinh đến Hà Nội tham dự kỳ thi ĐH, chúng tôi thấy mỗi khi có thí sinh và người nhà hỏi đường đến các điểm thi, tình nguyện viên (TNV) phụ trách tư vấn lập tức giở bản đồ hoặc tra cứu qua mạng. Phần lớn TNV là sinh viên ngoại tỉnh, mới về Hà Nội học 1-2 năm, nên việc định hướng, tìm các địa danh đường phố nội thành thực sự là thách thức. Bên cạnh đó, nhiều điểm thi của các trường quân đội, lâm nghiệp, nông nghiệp… nằm ở ngoại thành, ít người biết, khiến các bạn gặp nhiều khó khăn trong chỉ đường, càng khó hơn khi tư vấn phương tiện giao thông. Vì thế mới có chuyện nhiều TNV chụm đầu tìm mãi không ra địa danh mà thí sinh cần hỏi, hoặc tra qua mạng thì địa danh của huyện này lại nhảy sang huyện, tỉnh khác. Nhiều năm tham gia hoạt động tình nguyện, Lại Mạnh Duẩn, cựu sinh viên ĐH Mở, Chủ nhiệm CLB TNV Thủ đô thuộc Hội Sinh viên Hà Nội tâm sự: "Hiện ở phía Bắc, chỉ riêng Thành đoàn Hà Nội có website Tiếp sức mùa thi, nhưng chủ yếu thông tin về nhà trọ giá rẻ hoặc miễn phí; chưa có thông tin chỉ đường đến các điểm thi ĐH, CĐ. Trong khi đó, điểm thi lại thay đổi tùy từng năm. TNV gặp rất nhiều khó khăn khi tìm đường, tra cứu địa danh". Theo Duẩn, việc thiết kế một website chỉ đường đến các điểm thi, được cập nhật cho mỗi mùa thi không khó, giúp thí sinh hình dung được địa điểm thi với những thuận lợi, khó khăn về điều kiện sinh hoạt, phương tiện giao thông ngay từ khi ở nhà. Nhưng đã 12 năm hỗ trợ thí sinh đi thi, thay vì vào một trang web tiện lợi, TNV vẫn phải căng mắt, chụm đầu trên bản đồ hoặc tra địa danh qua công cụ tìm kiếm trên mạng, vừa mất thời gian, vừa không hiệu quả.
Thu hút nguồn lực từ cộng đồng
Rút kinh nghiệm từ các chương trình Tiếp sức mùa thi trước, hai năm nay, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với các tỉnh đoàn Lạng Sơn, Hà Giang, Ninh Bình thực hiện mô hình "Cùng bạn đi thi", giúp đỡ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực khá hoặc giỏi. Chương trình bao gồm đưa đón thí sinh và người nhà về Hà Nội, hỗ trợ miễn phí trong và sau kỳ thi, tìm nhà trọ giá rẻ hoặc miễn phí; tư vấn phương tiện giao thông hoặc chở đến điểm thi, tư vấn dịch vụ ăn uống bảo đảm vệ sinh; đưa đón thí sinh trong các ngày thi, chia sẻ kinh nghiệm thi cử… Tham gia chương trình, 120 TNV đã được tập huấn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ là những người anh, người chị tin cậy, có khả năng hỗ trợ cao nhất cho thí sinh trong suốt kỳ thi. Mặc dù vậy, do phối hợp không đồng bộ từ các tỉnh đoàn, chương trình "Cùng bạn đi thi" đã không phát huy hết hiệu quả như mong đợi.
Theo nội dung phối hợp, các tỉnh đoàn địa phương có trách nhiệm lựa chọn, cung cấp danh sách thí sinh kèm địa điểm thi trước khi tổ chức đưa thí sinh và người nhà về Hà Nội. Dựa trên nhu cầu của thí sinh, TNV tổ chức tìm kiếm, đàm phán để có nhà trọ miễn phí, giá rẻ, gần điểm thi, chuẩn bị hỗ trợ thí sinh ở mức tốt nhất. Nhưng qua hai đợt thi, sự trục trặc đã khiến nhiều TNV thất vọng. Lúc đầu, Tỉnh đoàn Ninh Bình đăng ký hỗ trợ 80 thí sinh, sau rút dần xuống 50 rồi 30. Trong khi đó, đoàn Hà Giang lại có phát sinh, yêu cầu hỗ trợ thêm 8 thí sinh và người nhà ngay trước giờ xe xuất bến về Hà Nội. Là tổ trưởng phụ trách 36 TNV hỗ trợ thí sinh có điểm thi ở khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Đào Thanh Tùng (sinh viên Học viện Tài chính) cho biết: "Trời nóng nực, nhưng chúng em xác định phải nỗ lực hết mình để giúp đỡ thí sinh. Vì vậy, chúng em thật sự ngỡ ngàng khi thấy thí sinh mà mình căng sức làm công tác chuẩn bị hỗ trợ trong suốt kỳ thi lại tỉnh queo xuống xe, rời điểm đón tiếp, bắt xe ôm lên thẳng KCN Bắc Thăng Long để đi làm; hoặc qua kỳ thi mới biết có thí sinh không hề khó khăn". Tỉnh đoàn Ninh Bình không tổ chức đưa thí sinh về Hà Nội bằng ô tô, chỉ cung cấp số điện thoại của thí sinh. Được các sinh viên Công giáo hỗ trợ, 30 thí sinh Ninh Bình sau khi về Hà Nội từ chối sự giúp đỡ của TNV Hà Nội, khiến công tác chuẩn bị trở thành "công cốc".
Những sơ suất không đáng có này đã xuất hiện không chỉ một lần, ở một đợt thi. Để khắc phục cũng không phải là quá khó, Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên cần sớm có giải pháp, gắn kết chặt chẽ với các địa phương nhằm giúp thí sinh hiệu quả. Qua đó còn thu hút nguồn lực của cộng đồng, tạo cơ hội giúp TNV mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, đồng thời nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn, Hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.