Mới đây, tại lễ trao giải World Culinary Awards, diễn ra tại thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất), Hà Nội đã được vinh danh là “Thành phố ẩm thực tốt nhất châu Á”.
Cụ thể, Thủ đô ngàn năm văn hiến đã vượt qua nhiều điểm đến du lịch có tiếng như Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc) hay Tokyo (Nhật Bản) để giành danh hiệu này.
Được biết, World Culinary Awards là một sáng kiến toàn cầu nhằm phát hiện, vinh danh những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực ẩm thực. Đáng nói là năm 2023, Hà Nội cũng đã được vinh danh là “Điểm đến ẩm thực mới nổi xuất sắc nhất châu Á”.
Có thể nói, đây thực sự là tin vui, dấu hiệu tích cực của không chỉ lĩnh vực ẩm thực mà còn cho cả ngành Du lịch Thủ đô. Trước đó, đầu năm 2024, Hà Nội cũng đã được nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor vinh danh đứng đầu danh sách 25 điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới và đứng thứ tư trong danh sách 25 điểm đến hàng đầu thế giới. Những danh hiệu có được thông qua sự bình chọn khách quan của các chuyên gia, du khách cho thấy tiếng thơm từ mảnh đất ngàn năm văn hiến đã thực sự bay xa.
Làm nên sức hút ấn tượng kể trên, chắc chắn có sự đóng góp rất lớn từ trầm tích văn hóa, lịch sử, nền ẩm thực đặc sắc nhiều đời. Không chỉ ấn tượng với những điểm đến, di tích lịch sử không thể bỏ qua như hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà thờ Lớn..., du khách thập phương còn bị cuốn hút, mê hoặc bởi những món ăn, thức uống bình dị như phở, bún chả, bún đậu, bánh mì, cà phê trứng... chứ không phải là những thứ cao lương mỹ vị đắt giá. Tất nhiên, không thể không nhắc tới những chủ thể sở hữu, làm nên những sản phẩm du lịch độc đáo đó - người dân Thủ đô thanh lịch, văn minh.
Tại sao cũng là những món ăn đó, nhưng trước đây, nhiều du khách cả trong và ngoài nước thường chỉ nhớ tới “bún mắng, cháo chửi”, dẫu đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”? Cũng không ít người, kể cả dân sở tại, trước đây cũng hết sức bức xúc với hình ảnh chèo kéo, “chặt chém” du khách của không ít người hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách cho đến bán hàng rong.
Thế nhưng, với sự tuyên truyền, vận động, vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan liên quan, nhận thức, thái độ của người dân đối với sự phát triển du lịch đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
Đặc biệt, bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng do UBND thành phố ban hành, với những lời khuyên đơn giản, dễ hiểu, được gắn ngay tại các cơ sở du lịch, tín ngưỡng, nhà hàng, nhà ga, bến xe... đã nhận được hưởng ứng rộng rãi, tích cực. Những hình ảnh đẹp về ứng xử thân thiện, văn minh của người dân Thủ đô ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, quốc tế.
Cùng với đó, những “vấn nạn” chèo kéo, “chặt chém” cũng được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm khắc. Tất cả đã tạo nên một hình ảnh Hà Nội đẹp, văn minh, thân thiện trong lòng du khách. Rõ ràng, dù đồ ăn ngon đến đâu, điểm đến đẹp đến mấy, nhưng nếu thái độ, văn hóa ứng xử không thân thiện, mến khách thì sẽ rất khó “lấy lòng” du khách.
Người xưa đã có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để ca ngợi ứng xử văn hóa, lịch thiệp của người Thăng Long - Hà Nội.
Trong bối cảnh hiện nay, tinh thần đó càng phải được phát huy mạnh mẽ để tiếp lực cho ngành “công nghiệp không khói” phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.
Ngoài sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, hơn ai hết, chính mỗi hộ kinh doanh, mỗi người dân Hà Nội cần phải nâng cao ý thức ứng xử văn hóa, thanh lịch để tiếng thơm tiếp tục bay xa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.