(HNM) - Hôm nay (10-9) là dấu mốc quan trọng bởi chỉ còn đúng 30 ngày nữa là Thủ đô yêu dấu tròn nghìn tuổi. Mọi công tác chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (TL-HN) đang được gấp rút hoàn thành.
- Thưa Phó Chủ tịch, chỉ còn 30 ngày nữa là Hà Nội tròn nghìn tuổi, xin đồng chí đánh giá khái quát công tác chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm?
- Chúng ta đang ở vào thời điểm đặc biệt, mọi người con đất Việt đều đang hồi hộp mong đợi giờ phút Thủ đô yêu dấu tròn nghìn tuổi. Dấu mốc này nhắc nhở chúng ta cần nỗ lực gấp bội, hoàn chỉnh những phần việc chuẩn bị để TL-HN rạng rỡ trong ngày Đại lễ.
Đến thời điểm này, 33 công trình lớn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã và đang hoàn thành, trong đó có những công trình nổi bật như Bảo tàng Hà Nội, Tượng đài Thánh Gióng, Tượng Bác Hồ - Bác Tôn, Công viên Hòa Bình, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Đường vành đai 3, Đại lộ Thăng Long… Thật đáng tự hào là tiếp theo sự kiện 82 bia tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL) mới đây đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới. Đó là món quà vô giá trước thềm Đại lễ. Nhiều công trình xã hội hóa nổi bật như Con đường gốm sứ ven sông Hồng, bức tranh thêu "Cội xưa"... cũng đã hoàn thành. Thật phấn khởi khi Cuộc thi tìm hiểu "Thăng Long - Hà Nội ngàn năm Văn hiến và Anh hùng" được phát động trên quy mô toàn quốc đã thu hút hơn 3 triệu bài thi, hôm nay (10-9) cũng là ngày diễn ra Hội thu bài cấp quốc gia. Hàng loạt dự án, chương trình kỷ niệm thiết thực, có ảnh hưởng tốt tới đời sống dân sinh đã được thực hiện, như chỉnh trang phố phường; nâng cấp hạ tầng giao thông, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, bảo vệ môi trường...
- Khách mời dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm TL-HN có nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, các nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng thế giới. Đồng chí có thể cho biết Thủ đô sẽ thể hiện lòng hiếu khách, văn hóa người Tràng An ra sao?
- Dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm TL-HN sẽ có nhiều chính khách, nhà văn hóa, nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Trong dịp này còn có rất nhiều du khách quốc tế, đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài cùng đồng bào trong nước sẽ tham gia các hoạt động mừng Thủ đô ngàn tuổi. Được đón tiếp họ trong những ngày đặc biệt này là niềm vui, niềm tự hào lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, đồng thời cũng đòi hỏi mọi công việc phải được thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ và chu tất.
TL-HN có bề dày truyền thống văn hóa ngàn năm, vang vọng danh thơm thanh lịch, văn minh. "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Chúng ta đã có nhiều nỗ lực và đã thu được những kết quả đáng khích lệ trong cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Tôi biết rằng tốc độ đô thị hóa có thể khiến cuộc sống gấp gáp hơn, xuất hiện mối lo lãng quên giá trị truyền thống. Nên nhiệm vụ của chúng ta là khắc phục tối đa những điều đó, để Hà Nội ngày một văn minh, xanh - sạch - đẹp. Trong thực tế, Hà Nội đã tăng cường vận động, tổ chức nhiều đợt ra quân làm sạch - đẹp phố phường; tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông gắn với chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng giao thông đô thị. Tình hình đã và đang chuyển biến tích cực. Gương mặt Thủ đô đã sáng đẹp lên nhiều trong những tuần qua.
Chúng tôi tin rằng, với niềm tự hào là công dân của Thủ đô ngàn tuổi, mỗi người Hà Nội sẽ sống có trách nhiệm hơn, có ý thức làm cho Thủ đô đẹp hơn từ những việc làm bình dị thường nhật của mình để xứng với tiếng thơm người Tràng An thanh lịch.
- Trong các ngày tới, đặc biệt là 10 ngày của Đại lễ kỷ niệm, các hoạt động trưng bày, biểu diễn văn hóa - nghệ thuật, trang hoàng đường phố... sẽ tạo ấn tượng đặc biệt. Xin đồng chí cho biết về kịch bản cho những hoạt động hấp dẫn này?
- Để Đại lễ thực sự là ngày vui của mọi người, mọi nhà, hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô với nhiều hình thức sôi nổi, hấp dẫn.
Hàng trăm hoạt động đã được chuẩn bị cho 10 ngày Đại lễ. Lễ khai mạc được tổ chức trọng thể vào sáng 1-10-2010 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Buổi tối 1-10 sẽ có biểu diễn nghệ thuật kết hợp trình diễn áo dài truyền thống quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngày Đại lễ 10-10 có hai chương trình quy mô là lễ mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành và đại dạ hội nghệ thuật. Lễ mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành tổ chức vào sáng 10-10 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội với phần mở đầu dự kiến rất ấn tượng: 10 chiếc trực thăng bay theo đội hình hàng dọc, theo đường Hùng Vương từ hướng sông Hồng vào Hà Đông, mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, dải lụa đỏ ghi dòng chữ 1000 năm TL-HN. Đại dạ hội nghệ thuật đêm 10-10 được tổ chức tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình. Chương trình hoành tráng, đặc sắc, gồm ba chương, là sự kết hợp tinh tế, hài hòa của điện ảnh, sân khấu và nghệ thuật sắp đặt.
Đến thời điểm này, Hà Nội cũng đã nhận được sự đăng ký tham gia biểu diễn của 38 đoàn nghệ thuật quốc tế. Hơn 20 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước sẽ biểu diễn hàng trăm buổi để phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân toàn thành phố.
- Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL) vừa được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới. Xin đồng chí cho biết thành phố có chủ trương, biện pháp gì để phát huy giá trị di sản?
- Được vinh danh di sản thế giới có nghĩa là từ nay Khu trung tâm HTTL đã là di sản - tài sản của cả nhân loại. Hà Nội sẽ quyết liệt triển khai các nội dung đã cam kết với UNESCO. Thành phố đã có kế hoạch quảng bá di sản, trước mắt là chỉnh trang di tích, trưng bày hiện vật quý tại di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Thành cổ Hà Nội để kịp mở cửa đón khách tham quan dịp Đại lễ. Các phòng trưng bày tại Khu trung tâm HTTL cần được tăng cường thêm hướng dẫn viên, người thuyết minh. Hàng nghìn hiện vật đang được chọn lọc để trưng bày những gì tiêu biểu, giúp du khách hiểu rõ các giá trị di sản theo chuyên đề tại di chỉ 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội.
Việc tuyên truyền để người dân hiểu về các giá trị nổi bật của Khu trung tâm HTTL là việc làm quan trọng. Vì vậy, thành phố đang chỉ đạo thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các nhà khoa học để cung cấp thông tin về các giá trị của di sản tới công chúng và du khách, để nhân dân thấy rõ niềm vinh dự, tự hào và hiểu rõ hơn về giá trị của di sản.
- Đại lễ kỷ niệm 1000 năm TL-HN là dịp tri ân công đức tổ tiên, tuyên truyền, giáo dục để các thế hệ người Việt Nam tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống lâu dài. Xin đồng chí chỉ rõ những điểm nhấn để thực hiện mục tiêu quan trọng này?
- TL-HN tròn 1000 tuổi là sự kiện trọng đại của đất nước. Tri ân tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chúng ta đồng thời lấy đó làm nguồn động lực xây dựng đất nước. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cùng nỗ lực, thể hiện tình cảm và trách nhiệm với Thủ đô bằng những hành động cụ thể. Hãy cùng làm việc tốt, ứng xử văn hóa, văn minh, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, cùng góp phần thực hiện Chương trình 08 của Thành ủy về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tôi nghĩ khâu tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến và công tác giáo dục truyền thống văn minh, thanh lịch phải được triển khai mạnh mẽ hơn nữa.
Chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm, Hà Nội luôn xác định đây không chỉ đơn thuần là xây dựng các chương trình văn hóa - nghệ thuật, công trình kỷ niệm, mà còn là hình thành phong trào thi đua sâu rộng trên mọi lĩnh vực, phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đây còn là dịp giáo dục truyền thống, là cơ hội thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn của các thế hệ người Việt Nam. Chào đón Đại lễ không thể chỉ là dốc sức xây dựng công trình đồ sộ mà còn là làm cho Thủ đô đẹp hơn, đẹp từ tâm hồn, nhận thức đến hành vi của mỗi người.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.