Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa THPT quốc gia, nhiều giáo viên rất tán thành cách ra đề mới của bộ vì cơ bản đã đáp ứng được 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, một số giáo viên lại lo lắng vì trong đề có nhiều điểm chưa hợp lý.
Môn Toán: Một số thay đổi gây khó khăn cho học sinh
Giáo viên Toán, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, Trần Mạnh Tùng, sau khi nghiên cứu đề minh họa THPT Quốc gia môn Toán của Bộ GD-ĐT, cho học sinh làm thử, đã có một vài góp ý như sau:
Đề cơ bản, đáp ứng được hai mục đích: Xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng
So với đề Toán năm 2014, có thể thấy đề minh họa có số câu dễ nhiều hơn, chiếm 60% của đề, theo công thức: 6 + 1 + 2 + 1
Trong đó: 6 điểm dễ, 1 điểm trung bình, 2 điểm khó và 1 điểm rất khó. Đề tạo điều kiện cho học sinh đạt điểm trung bình trở lên. Học sinh có lực học trung bình có thể đạt 5, 6 điểm. Cùng với điểm tổng kết năm lớp 12 thì khả năng đỗ tốt nghiệp của học sinh là rất cao (tương tự mọi năm). Khả năng đỗ đại học của học sinh trung bình cũng cao hơn. Phổ điểm chủ yếu là 5, 6 điểm.
Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12: Lớp 10 chiếm 2 điểm, lớp 11 chiếm 1 điểm, lớp 12 chiếm 7 điểm. Đó là đặc điểm “được” nhất của đề minh họa môn Toán.
Bên cạnh đó, còn vài điểm tôi cho là chưa được, Bộ GD-ĐT cần lưu ý để đề thi thật hoàn chỉnh hơn. Cụ thể:
Nên xếp thứ tự các câu từ dễ đến khó
Đây là lợi thế của môn thi tự luận. Mức độ khó của từng loại câu hỏi đã được xác định, xếp khó dần để tạo điều kiện cho học sinh làm bài. Đề Toán năm 2014 đã làm được việc này.
Sự phân hóa chưa được “mịn”
Theo công thức: 6 + 1 + 2 + 1, tôi thấy 3 điểm cuối cùng là 3 câu khó nhất, đòi hỏi học sinh có tính tổng hợp kiến thức cao, thậm chí phải dùng mẹo. Nếu biến đổi không trúng, thí sinh có thể không được điểm nào (dù là ¼ điểm). Trong khi chúng ta đang đề cao sự phân hóa loại học sinh, không quy tròn điểm. Để đáp ứng được yêu cầu này, đòi hỏi việc ra đề (nhất là những câu khó) phải rất tỉ mỉ và công phu.
Nội dung đề thi có sự mở rộng một cách không cần thiết
Câu 2a: Biến đổi lượng giác, thay cho nội dung truyền thống là giải phương trình lượng giác
Mục đích của Bộ GD-ĐT là tạo ra một hình thức mới, nhấn mạnh tính đa dạng của câu hỏi. Tuy nhiên, biến đổi lượng giác thì rất rộng, câu này chỉ có 0.5 điểm, thời gian còn lại rất ít, gây khó khăn cho việc ôn tập của học sinh.
Câu 7: Sử dụng khái niệm đường tròn bàng tiếp
Đây là một khái niệm được giới thiệu thêm ở hình học 9, bên cạnh khái niệm đường tròn ngoại tiếp và đường tròn nội tiếp tam giác. Tôi thử hỏi 20 em học sinh 12 thì chỉ có khoảng 1 em biết được khái niệm này. Mục đích của người ra đề là muốn nhấn mạnh sự rải rộng của kiến thức, đánh động đến giáo viên và học sinh nhưng theo tôi, nó rất khiên cưỡng và do thời gian còn lại chưa được 3 tháng nên nó gây hoang mang cho học sinh.
Khai thác những tính chất sâu sắc của các hình quen thuộc ta vẫn có được các đề hay, phân loại tốt.
Giáo viên Trần Mạnh Tùng đề nghị: “Trong một thời gian ngắn, những sự thay đổi đều gây khó khăn cho học sinh. Để có được kết quả của một hoạt động giáo dục chúng ta cần nhiều thời gian chứ không phải nói thay đổi là thay đổi ngay được. Năm 2015, Bộ GD-ĐT chủ trương không công bố cấu trúc đề thi, đề phòng học sinh học tủ, học lệch. Sự thất bại của chương trình phân ban, của bộ sách nâng cao minh chứng rằng: Cần dạy và học có trọng điểm, không thể lan man, dàn trải được. Nhiều hình thức thi chất lượng đều có cấu trúc đề thi: Ielts, Sat, Pisa,… vẫn kiểm tra được đủ các kĩ năng và tạo thuận lợi rất nhiều cho người học. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT vẫn công bố cấu trúc đề thi và giữ ổn định đến khi thi theo chương trình và sách giáo khoa mới (2019)”.
Đề thi THPT Quốc gia 2015 bao chùm toàn bộ kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12 |
Môn Hóa: Có câu chưa hợp lý
Nhận xét đề thi minh họa môn Hóa học của Bộ GD-ĐT, Ths Hoàng Anh Tài - giáo viên THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: Đề minh họa của bộ đều nằm trong chương trình phổ thông, trong đó có khoảng 30 câu lí thuyết. Đề thi có khoảng 25 câu lí thuyết dễ để học sinh có lực học trung bình có thể làm được - những câu này tương tự như những câu trong đề thi tốt nghiệ trung học phổ thông những năm trước đây.
Các câu hỏi trải đều các chương trong chương trình phổ thông, kể cả chương hóa học với môi trường như câu 27 nhưng chủ yếu nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 (khoảng 30 câu).
Có nhiều câu hỏi có gắn với ứng dụng trong đời sống hàng ngày như câu 13, 34, 35. Điều khác biệt trong đề minh họa này so với các đề thi đại học năm 2013, 2014 là các câu hỏi bài tập phải học sinh khá giỏi mới có thể làm được, không còn những câu “cho điểm” như trước nữa.
Một số bài tập tính toán đòi hỏi học sinh phải vận dụng thành thạo các phương pháp giải nhanh như qui đổi như câu 32 (gọi công thức chung là R(COOH)x(CHO)y), bảo toàn nguyên tố, bảo toàn khối lượng như những câu 19, 39.
Nhiều câu trong đề có nội dung tương tự các câu trong các đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm trước đây như những câu 11, 15, 19, 22, 45. Trong đề này có đề cập đến phản ứng của kim loại mạnh với HNO3 như câu 7 (một nội dung không mới và rất hay có trong các đề thi những năm trước) nhưng cách hỏi của đề có thể làm học sinh phân vân vì các bạn không để ỷ khối lượng kim loại bằng kim loại dung dịch tăng.
Đặc biệt, trong đề này có những câu mới lạ nhưng quá khó và phải vận dụng toán học nhiều mới làm được như câu 43, 49. Cụ thể:
- Câu 43: HS tìm được X là hexapeptit còn Y là pentapeptit, tìm ra số mol X và Y trong 0,16 mol hỗn hợp E, suy ra tỉ lệ của X, Y. Bảo toàn Na tìm a + b = 0,9. Tìm công thức chung của X, Y và bảo toàn C, H tìm ra mối liên hệ giữa a, b với số nguyên tử cacbon trong X, Y. Đốt cháy 30,73 gam E ta thiết lập được phương trình liên quan đến khối lượng E và tổng khối lượng nước, cacbonic rồi thế vào phương trình trên tìm ra 2a + b = 2,32. tìm ra a = 0,38 và b = 0,52 từ đó suy ra a : b.
- Câu 49: Các bạn lập được hai phương trình liên quan đến khối lượng và số mol O2 tham gia phản ứng. Biểu thức tính khối lượng dung dịch giảm bằng khối lượng kết tủa trừ đi tổng khối lượng nước và cacbonic. Dùng phương pháp ghép ẩn tìm ra giá trị khối lượng dung dịch dung dịch giảm là 2,76.
Những câu này học sinh không thể giải quyết xong trong khoảng thời gian 10 phút.
Tuy nhiên, giáo viên Hoàng Anh Tài cho biết, đề thi có 2 điểm chưa thật hợp lí:
Thứ nhất: Các câu hỏi mà có thể tính toán ra giá trị chính xác thì nên để giá trị của đại lượng cần tính chứ không cần thiết phải dùng cụm từ “giá trị gần nhất”.
Thứ hai: trong câu 25 của đề có một số lỗi như sau:
HS dễ dàng suy ra 2 khí là NO và H2 (tính được số mol tương ứng là 0,05 và 0,40)
+ Bảo toàn khối lượng tìm ra khối lượng H2O bằng 18,9 gam nhưng nếu dùng bảo toàn nguyên tử H thì tính được khối lượng H2O là 20,7 nên chưa hợp lí.
+ Giả sử bỏ qua lượng nước ở trên ta lí luận vì có khí H2 sinh ra nên theo tính oxi hóa (H+ và NO3-) > Fe3+ > H+ do đó dung dịch sau phản ứng chỉ có muối sắt (II). Giải hệ 3 ẩn ta tìm ra phần trăm khối lượng của Al khoảng 18,35%. Tuy nhiên ta có cách tính đơn giản hơn: số mol Fe(NO3)2 bằng 0,025 (bảo toàn N) lập hệ 2 ẩn tìm ra phần trăm khối lượng của Al bằng khoảng 11%, nên chưa hợp lí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.