Tiếp tục bố trí thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT tại địa phương (HNM) - Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 sẽ bám sát chương trình giáo dục THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, trong đó có 50% số câu hỏi trong đề thi dành để đánh giá khả năng thông hiểu, vận dụng kiến thức của HS.
Với mục đích hạn chế tối đa tình trạng học tủ, học vẹt của một bộ phận HS, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục chủ trương ra đề theo hướng "mở" với những câu hỏi để khích lệ HS thể hiện khả năng sáng tạo, vận dụng những kiến thức đã học. Đây cũng là nội dung được Bộ GD-ĐT nhắc nhở các địa phương khi tổ chức ôn tập cho HS lớp 12. Theo đó, các trường được yêu cầu chỉ đạo các tổ chuyên môn biên soạn nội dung, hệ thống câu hỏi ôn tập phù hợp với trình độ, khả năng nhận thức của HS; nội dung ôn tập bám sát theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình giáo dục THPT, trong đó đặc biệt chú ý tới yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc tổ chức thi thử cho HS lớp 12 có phải là giải pháp hữu hiệu trong việc ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp hay không, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Bộ GD-ĐT không quy định việc tổ chức thi thử mà tùy thuộc vào tình hình thực tế của các địa phương. Việc tổ chức thi thử với các yêu cầu về đề thi, coi thi, chấm thi… như với kỳ thi thật giúp HS làm quen với không khí thi, tập dượt các kỹ năng làm bài thi, nhất là với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm trước khi bước vào kỳ thi thật là cần thiết, tuy nhiên, việc tổ chức thi thử cần huy động được sự đồng thuận từ phía nhà trường, gia đình HS, HS và dư luận xã hội. Dù vậy, quan điểm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT là không nên tổ chức thi thử nhiều, gây tốn kém, căng thẳng không cần thiết với HS và gia đình HS. Các trường còn nhiều phương thức để giúp HS đạt kết quả cao trong kỳ thi như dạy đúng, đủ, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng; phân loại HS, chú ý bồi dưỡng cho HS yếu, kém…
* Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Trúc cho biết: Nhằm tiếp tục giữ vững nền nếp, kỷ luật phòng thi, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục bố trí lực lượng thanh tra ủy quyền tại các địa phương. Những người làm công tác thanh tra ủy quyền được lãnh đạo Bộ GD-ĐT chọn lọc từ đội ngũ cán bộ, giảng viên đang công tác tại các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc, với số lượng khoảng 9.000 người - tương đương với năm 2010. Lực lượng thanh tra ủy quyền sẽ không đóng thường trực tại các hội đồng coi thi, mà đi lưu động để kiểm tra đột xuất tại nhiều khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.