Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để thành phố sạch đẹp hơn...

Gia Khánh| 17/06/2021 06:00

(HNM) - Thành phố Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt xử lý bằng hình thức chôn lấp từ khoảng 98% xuống còn 30%. Theo đó, mục tiêu này được thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ, từ quản lý rác thải, phân loại rác tại nguồn đến thu gom, vận chuyển và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Sở dĩ phải làm như vậy bởi hiện nay việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập. Đó là việc rác chưa được thực hiện phân loại tại nguồn, bỏ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định. Điểm trung chuyển rác còn thiếu nên nhiều điểm tập kết rác nằm tại khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Hơn thế, rác sinh hoạt chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp, chiếm dụng nhiều đất đai, nguy cơ phát tán mùi, nước rác, hiệu quả rất thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến Hà Nội khó hình thành được các khu xử lý rác tập trung theo quy hoạch.

Thực trạng này đã được nhận diện từ lâu, song chưa thể giải quyết vì thiếu nguồn vốn, cơ chế, chính sách và cách làm đồng bộ, bài bản. Trong khi đó, Hà Nội là thành phố lớn, dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, đòi hỏi về xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng cao. Và định hướng được đưa ra, không cách nào khác là phải ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào xử lý rác thải. Dự kiến trong năm 2021, nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện tại Sóc Sơn sẽ được đưa vào vận hành. Năm 2023, một nhà máy tương tự cũng hoàn thành tại thị xã Sơn Tây. Giai đoạn 2025-2030, Hà Nội có thêm 3 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến. Đi cùng với đó, các sở, ngành thành phố xây dựng quy trình quản lý, phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

Rõ ràng, để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại thì quy trình quản lý rác thải cũng phải phù hợp với định hướng đó. Muốn vậy, các cấp, ngành cần sớm tham mưu, đề xuất cơ chế khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ hiện đại; trong đó, lưu ý cách mà nhiều nước tiên tiến đang áp dụng là coi rác thải như nguồn tài nguyên. Ngoài thu phí xử lý rác từ nguồn thải, rác thải tái chế được phân loại, xử lý thành nguồn nguyên liệu sử dụng cho các lĩnh vực kinh tế khác, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và xã hội. Ở đây, nhà đầu tư cần tuân thủ các điều kiện mà thành phố đưa ra, đặc biệt là công nghệ xử lý phải hiện đại, tiên tiến, ít chiếm dụng đất và tạo việc làm cho người dân địa phương. Ngược lại, khi lựa chọn nhà đầu tư, các cấp, ngành cũng phải bảo đảm các tiêu chí này.

Với việc phân loại rác, thành phố cũng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, đã từng tổ chức thí điểm phân loại rác ở quy mô một phường và giờ là lúc cần thiết phải có quy định cụ thể bắt buộc phân loại rác thải tại mỗi hộ gia đình để giảm áp lực cho khâu thu gom, xử lý. Thực tế, việc này không quá phức tạp mà phụ thuộc nhiều vào thói quen của mỗi người. Vì vậy, mỗi người dân cần nêu cao trách nhiệm để góp phần cùng các cấp, ngành thành phố thực hiện hiệu quả việc thu gom rác. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần hoàn thiện sớm quy trình quản lý, thu gom, xử lý rác thải nhằm đưa công tác này vào khuôn khổ. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm hành vi bỏ rác bừa bãi hay gây ô nhiễm trong khi thu gom, vận chuyển rác…

Khi các tồn tại được giải quyết thật đồng bộ, công tác thu gom, xử lý rác sẽ đi vào nền nếp, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng sạch, đẹp, văn minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để thành phố sạch đẹp hơn...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.