(HNM) - Sự việc cây xăng Hưng Thịnh thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Nhập khẩu tổng hợp Hưng Thịnh bán xăng... pha nước lã bị phát hiện vào chiều ngày 27-11 vừa qua thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Trước đây, chuyện hàng loạt cây xăng gắn chíp điện tử để ăn cắp của người tiêu dùng bị vạch trần đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Nhưng rồi đến giờ, người ta cũng chẳng cần phải "móc túi" các "thượng đế" bằng cách tinh vi như vậy; trắng trợn hơn, liều lĩnh hơn, họ bán thẳng xăng pha nước lã (dù đại diện cửa hàng thanh minh đó là do sơ suất trong quá trình lưu giữ nên trong téc xăng có... cặn và nước). Nhưng xăng và xăng... pha nước lã là hoàn toàn khác nhau, bởi vậy nên chỉ trong 4 giờ đồng hồ chiều 27-11, hàng trăm người đã phải dắt mô tô, xe máy quay lại cây xăng Hưng Thịnh để... bắt đền; trong số đó có hàng chục xe phải vào tiệm sửa chữa.
Đã từng có rất nhiều vụ việc xảy ra về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,
song đây có thể coi là vụ việc điển hình về quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm trắng trợn. Hãy xem các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước xử lý ra sao? Một ngày sau, ngày 28-11, Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, đã niêm phong téc xăng của cây xăng Hưng Thịnh để làm rõ có hay không việc pha nước lã vào xăng bán cho khách hàng. Ngoài ra, cũng chưa thấy các đơn vị khác có động thái gì. Tóm lại, vụ việc động trời như thế nhưng đã 3-4 ngày trôi qua, việc xử lý như thế nào vẫn phải… "chờ hồi sau mới rõ".
Không ít cơ quan báo chí, các chuyên gia đầu ngành đã từng lên tiếng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Trong nhiều ý kiến phân tích, có một khía cạnh là hiện có sự chồng chéo trong công tác quản lý của nhiều lực lượng, rồi một số đơn vị chức năng còn "mỏng" về quân số, chưa đủ khả năng bao quát thị trường... Ấy vậy mà tại sao một vụ việc gây xôn xao, phẫn nộ như vậy lại không thấy các ngành chức năng hăng hái vào cuộc, ít nhất cũng là để có câu trả lời cụ thể cho dư luận. Nghĩ mà tội cho khách hàng dù đã được gắn cái mác "thượng đế". Lại có ý kiến cho rằng chế tài xử lý hiện nay còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, cần phải có bộ luật riêng để "chuẩn" hóa... Ngày 17-11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Không biết tới lúc đó, còn nảy sinh thêm những vấn đề gì khác? Tuy nhiên, suy cho cùng nếu thái độ của các cơ quan thực thi chức năng quản lý đối với những vụ việc xâm hại tới quyền lợi của người tiêu dùng chưa được cải thiện thì e rằng lại rơi vào tình trạng trên "nóng", dưới "nguội", càng dung dưỡng thái độ "nhờn" luật của một số đơn vị, DN làm ăn thiếu lương tâm, đạo đức khi tung ra thị trường hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Từ vụ việc cụ thể ở cây xăng Hưng Thịnh, nhìn rộng ra các lĩnh vực khác, trong đó có những vấn đề mà hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có thể trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người sử dụng hiện đang được bày bán tràn lan với sự lỏng lẻo của các cơ quan quản lý càng khiến người tiêu dùng thêm lo ngại. Mà người tiêu dùng, bao gồm tất cả chúng ta, trong đó có tất cả cán bộ cơ quan chức năng. Chúng ta đang đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", và dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cũng đã cận kề. Song ra thị trường, "thượng đế" cứ luôn luôn phải canh cánh nỗi lo tự bảo vệ mình, phải trở thành người tiêu dùng thông thái, rồi nếu không may quyền lợi bị xâm hại cũng không biết kêu ai, chẳng biết ai sẽ bảo vệ mình... thì chắc chắn sự mặn mà với hàng nội cũng giảm sút đáng kể.
Từ những điều phân tích nêu trên, chắc chắn các cơ quan quản lý sẽ hiểu mình cần phải làm gì. Không chỉ đơn thuần là tổ chức những cuộc ra quân rầm rộ để rồi... mọi sự vẫn vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.