Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để quy hoạch thành hiện thực

Nữ Quỳnh| 08/12/2012 06:00

(HNM) - Hà Nội vừa chính thức công bố quy hoạch phát triển mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dự kiến khi ấy sẽ có 1.215 trường được xây mới

Thông tin này khiến cho nhiều người thấy mừng bởi nó có thể sẽ giải được bài toán thiếu trường lớp ở Thủ đô từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay thì bản quy hoạch này cũng đang đặt ra cho dư luận những trăn trở.

Có lẽ nếu nói rằng Hà Nội đang thiếu trầm trọng trường học thì nhiều người ở xa khó tin. Nhưng đó lại là một sự thực, một khó khăn rất lớn với ngành giáo dục Thủ đô. Đến hết năm học trước, chỉ tính riêng trong khu vực nội thành cũng vẫn còn tới hơn bốn mươi phường thiếu trường học công lập từ cấp mầm non đến THCS. Có những trường do điều kiện chật hẹp mà năm nào cũng phải tổ chức lễ khai giảng dưới lòng đường… Nói như vậy để thấy rõ rằng trước nhu cầu về trường lớp đang ngày một đòi hỏi nhiều hơn do lượng người về Thủ đô cũng ngày càng đông hơn, thì một bản quy hoạch với con số hàng ngàn trường được xây mới thật sự rất đáng mừng.

Nhưng, như đã nói ở trên, trăn trở của những người quan tâm đến giáo dục của Thủ đô chính là làm thế nào để quy hoạch ấy thành hiện thực, làm thế nào để nó không chỉ là một "bản vẽ" trên giấy. Trong khi thực tế, vấn đề quỹ đất của Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội thành, đang là vấn đề hết sức nan giải. Mà trường học cho các bậc phổ thông thì bắt buộc phải ở tại mỗi địa phương chứ không thể như bậc đại học có thể di ra xa ngoại thành.

Qua nhiều kỳ họp của HĐND TP Hà Nội, chỉ riêng câu chuyện thiếu trường lớp ở quận Đống Đa cũng đã được nhiều lần mang ra mổ xẻ, nhưng rút cuộc khó vẫn hoàn khó. Ở quận này, có những vị trí đã được phê duyệt để xây dựng trường học, nhưng trải qua nhiều năm triển khai mà đến nay ngôi trường vẫn chưa thể thành hình hài. Cái khó chính ở chỗ ấy!

Vấn đề đặt ra là để có quỹ đất cho việc xây dựng trường học, để bản quy hoạch nhiều ý nghĩa kia trở thành hiện thực, đòi hỏi thành phố phải có những hành động quyết liệt. Nhất thiết phải mở rộng diện tích, ưu tiên dành quỹ đất xây trường học. Đáng lưu ý là trong lúc chúng ta đang thiếu trường học thì việc di dời nhà máy, công sở ra ngoại thành lại chưa thu được hiệu quả cao, đồng nghĩa với điều đó là chưa có nhiều diện tích được tận dụng cho giáo dục. Đã có rất nhiều cơ sở sản xuất, các trường cao đẳng, đại học, trụ sở các bộ, ngành trong khu vực nội thành được "bứng" ra ngoại thành, thế nhưng thay vào đó lại là các chung cư cao tầng, các khu thương mại, thậm chí còn làm tăng dân số cơ học một cách đột biến, tức là tạo thêm sức ép với hạ tầng giáo dục. Thực tế cũng tồn tại tình trạng, nhiều điểm theo quy hoạch dành cho trường học, nhưng rồi nó lại được chuyển đổi mục đích sử dụng sang hướng khác. Chúng ta thiếu trường học, nhưng thực tế lại thừa những biệt thự bỏ hoang, thừa các trung tâm thương mại, cao ốc. Nhiều dự án chỉ hô hào rồi để đấy mà không thể tiến triển do chưa thu hồi được đất, chưa giải phóng xong mặt bằng…

Về chiến lược thì như vậy. Còn về thực hiện cũng đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp, cũng như thái độ tham gia tích cực từ chính quyền. Vốn dĩ chúng ta vẫn đang tồn tại những thủ tục hành chính rườm rà. Thế nên, một khi triển khai quy hoạch này, nhưng lại thiếu đồng bộ với các chính sách khác, hoặc thiếu sự ủng hộ từ các cấp chính quyền thì "giấc mơ" đủ trường lớp sẽ khó thành hiện thực.

Giáo dục là quốc sách. Một bản quy hoạch có ý nghĩa nhân văn hơn rất nhiều quy hoạch kinh tế khác, thiết nghĩ đang rất cần có thêm sự tiếp sức quyết liệt từ các cấp chính quyền!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để quy hoạch thành hiện thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.