(HNM) - Lâu nay, xe hợp đồng núp bóng hoạt động như xe khách liên tỉnh trở thành vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Thực tế, dưới hình thức ký hợp đồng vận chuyển hành khách (loại hình kinh doanh vận tải được pháp luật công nhận), xe hợp đồng có thể đi vào các tuyến phố nội đô đón, trả khách. Thậm chí, có nhà xe công khai biến văn phòng giao dịch thành bến xe, tập kết khách. Về bản chất, cả cơ quan quản lý lẫn người đi xe đều hiểu loại hình xe hợp đồng này hoạt động không khác phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định, song với lợi thế vào tận ngõ ngách đón khách tận nhà, xe hợp đồng trá hình đã và đang thu hút lượng hành khách lớn. Trong khi đó, lực lượng chức năng cũng chỉ có thể xử phạt hành vi dừng, đỗ không đúng nơi quy định.
Hậu quả là thị trường vận tải xuất hiện tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, xe khách liên tỉnh cũng bỏ bến ra ngoài đón khách. Quy hoạch luồng tuyến vận tải bị phá vỡ dẫn tới tình trạng mất trật tự an toàn giao thông; bến “cóc”, xe “dù” phát sinh gây ra ùn tắc và mất trật tự đô thị… Những bất cập này, người dân và xã hội phải gánh chịu.
Trước tình trạng trên, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (có hiệu lực từ ngày 1-4-2020) và sau đó là Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (có hiệu lực từ ngày 15-7-2020) được coi là một trong những giải pháp quan trọng để đưa hoạt động vận tải nói chung, loại hình xe hợp đồng nói riêng vào quy củ. Hơn thế nữa, đây chính là hành lang pháp lý và chế tài để xe hợp đồng trá hình hết đường “tự tung tự tác”.
Với hai văn bản có tính pháp quy này, trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải rõ hơn, quy định về hợp đồng vận chuyển hành khách cụ thể hơn. Đặc biệt, việc đón, trả khách; điểm đầu, điểm cuối, phạm vi hoạt động… sẽ bị siết chặt.
Tuy nhiên, quy định vẫn chỉ là quy định nếu lực lượng chức năng không siết chặt công tác quản lý và các chủ thể không chấp hành nghiêm túc. Vì vậy, trước hết, lực lượng thanh tra giao thông - vận tải, cảnh sát giao thông phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định những xe vi phạm. Với những nơi đã hình thành điểm tập kết, đón trả khách, lực lượng chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch giải tỏa và chống tái vi phạm. Công tác quản lý cũng phải được tăng cường thông qua hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát hành trình phương tiện, chia sẻ dữ liệu để cảnh báo và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, có thể xây dựng phương án kiểm tra chéo giữa các địa phương, giữa các đơn vị có chức năng quản lý địa bàn hay tổ chức lực lượng liên ngành xử lý xe hợp đồng trá hình để hạn chế việc “nể nang”, “né tránh”…, từ đó nâng cao hiệu lực quản lý.
Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định tới các doanh nghiệp vận tải cũng là nhiệm vụ cần thiết. Cụ thể, cần phát huy vai trò của các hiệp hội vận tải, vừa để doanh nghiệp hiểu, tự giác chấp hành, song cũng để chính doanh nghiệp cam kết thực hiện và giám sát lẫn nhau. Cũng thông qua phổ biến quy định, làm sao để người dân hiểu, không tiếp tay cho hành vi vi phạm, không đi xe hợp đồng trá hình.
Có như vậy, quy định mới đi vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.