(HNM) - Sáng 27-7-2010, trong lúc đang sắp xếp xe vào điểm đỗ, chị Nguyễn Thị Huyền (34 tuổi, công tác ở Xí nghiệp Dịch vụ - Công ty Khai thác điểm đỗ xe tại địa bàn Đào Tấn), vô tình dẫm lên một vật gì đó. Chị cúi xuống thì nhận ra một chiếc ví, trong đó có tiền và nhiều giấy tờ bằng tiếng nước ngoài. Không biết cách nào để liên hệ được với chủ nhân của chiếc ví, chị đã nhờ chồng mình tìm giúp.
Cũng rất may, anh Vũ Ngọc Sinh - chồng của chị Huyền, hiện là Phó Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ - Công ty Khai thác điểm đỗ xe, tìm thấy trong ví có một chiếc sim điện thoại. Anh nhanh trí lắp sim vào máy điện thoại của mình và lần hỏi các số điện thoại trong đó xem có ai có thể liên lạc được với chủ nhân của chiếc ví. Gọi một vài số không được, anh tiếp tục kiên trì gọi tiếp thì gặp được chị Lê Thị Thanh ở TP Hồ Chí Minh. Tìm hiểu mới biết, chị Thanh là người thân của chủ nhân chiếc ví, anh liền thông báo về việc chiếc ví đã được tìm thấy, đồng thời cung cấp địa chỉ và điện thoại của mình nhờ chị Thanh nhắn lại cho người bị mất.
Được biết, chủ nhân của chiếc ví là anh Lê Hưng - Việt kiều ở Đức. Vừa "chân ướt, chân ráo" trở về Việt Nam thì được một người bạn đưa đi thưởng thức phở Hà Nội ở 58 Đào Tấn. Trong lúc ra vào bãi xe, anh để rơi chiếc ví da tại điểm đỗ xe Đào Tấn. Khi phát hiện ra mất ví, anh Hưng cho rằng khó có thể tìm lại được và đang định làm lại toàn bộ số giấy tờ trên thì nhận được điện thoại của chị Thanh... và đến nhận lại chiếc ví ngay trong ngày.
Khi tiếp xúc với vợ chồng anh chị Sinh - Huyền, người đã nhặt được của rơi (cư trú tại số nhà 18, ngõ 5/78 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), với cách giao tiếp khiêm nhường, lối ứng xử chân tình, niềm nở, chị Huyền cho biết: "Tôi đã từng bị mất ví một lần, tôi nghĩ mình phải nhanh chóng tìm được chủ nhân của chiếc ví này. Người ta mất tiền là một chuyện nhưng để làm lại được toàn bộ giấy tờ này cũng rất mất thời gian. Hơn nữa đó là đồng tiền do công sức họ kiếm ra, giờ mình lấy đi có khác gì chiếm đoạt của người khác". Anh Sinh cũng khẳng định: "Tôi quan niệm, cái gì của mình thì mới thực sự là của mình, cái không phải của mình thì phải trả lại cho chủ nhân của nó. Qua sự việc này cũng là cơ hội để vợ chồng tôi nêu gương và để phúc cho con cái sau này!".
Thiết nghĩ, người Hà Nội văn minh, không phải người dân đô thị lạnh lùng "đèn nhà ai nhà ấy rạng" mà ngược lại, luôn quan tâm, chu đáo với nhau, nhất là những khi thấy người khác gặp khó khăn. Đó là giá trị truyền thống trong nền văn hóa mang đậm tính cộng đồng của người Thủ đô ta. Anh Phạm Xuân Hoan - Việt kiều Đức, người đã đón và đưa anh Hưng đi ăn hôm đó, xúc động nói: "Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của vợ chồng anh chị Sinh - Huyền. Tôi hy vọng, những người tốt như chị Huyền, anh Sinh là những tấm gương về nghĩa cử cao đẹp của người Hà Nội cần được nhân rộng cho thế hệ tương lai".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.