(HNM) - Theo thống kê sơ bộ từ các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu tâm lý, hiện nay, số trẻ em bị rối loạn và chậm phát triển ngôn ngữ trên cả nước đã lên tới vài nghìn trường hợp.
Điều đáng nói là số lượng trẻ mắc phải các rối loạn này ngày càng gia tăng, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do bố mẹ bận việc, ít có thời gian chăm sóc trẻ. Rối loạn ngôn ngữ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp mà còn ảnh hưởng đến việc học viết, tiếp thu kiến thức ở trường và trong đời sống sau này của trẻ.
Thường xuyên trò chuyện với trẻ là phương pháp quan trọng nhất để trẻ phát huy tốt khả năng ngôn ngữ của mình. Ảnh: Quốc Tiến |
Rối loạn ngôn ngữ do xem ti vi quá nhiều
TS Nguyễn Huy Cẩn, Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, không tính đến yếu tố di truyền và bẩm sinh ở một số trẻ, tình trạng rối loạn và chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ nói tiếng Việt có nguyên nhân chủ yếu từ sự thiếu quan tâm của người lớn, chủ yếu là ông bà, bố mẹ và các cô nuôi dạy trẻ. Các phản ánh tại các trung tâm chữa trị cho trẻ em như Bệnh viện Nhi đồng II TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Hy vọng số I Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý N-T do Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện sáng lập cho thấy, một trong số nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng rối loạn và chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ bắt nguồn từ việc gia đình cho trẻ em xem ti vi quá sớm và quá nhiều (có khi tới 80% số giờ chơi của trẻ ở gia đình). Nhiều trẻ từ 1-2 tuổi đã được ông bà, bố mẹ cho xem các trò chơi trên truyền hình hoặc xem quảng cáo trong bữa ăn thay vì giao tiếp trực tiếp với trẻ. Trẻ xem ti vi quá nhiều dễ mất đi một "bầu sữa" rất quan trọng, đó là môi trường tự nhiên của tiếng mẹ đẻ. Khi xem ti vi, trẻ chủ yếu thông qua hình ảnh để nhận biết thông tin, chúng rất ít chú ý tới lời nói. Hơn nữa, trẻ 1-2 tuổi hầu như không thể tiếp thu được lời nói, từ ngữ trong các chuỗi âm thanh phát ra từ ti vi. Sự thiếu hụt về giao tiếp ngôn ngữ đã khiến cho trẻ em gần như không tiếp thu được các từ và cấu trúc câu tiếng Việt, nhất là đối với các từ mới. Khi xem ti vi, trẻ rất khó bắt chước cử động của miệng, môi, lưỡi để phát âm một từ nào đó và càng khó nhận biết các thành phần tách biệt trong từ, ngữ tiếng Việt. Gần như trẻ chỉ tiếp thu được thông tin bằng ngữ điệu và giọng điệu, thiếu hụt vốn từ và các mẫu câu để diễn đạt tình cảm và suy nghĩ của mình với mọi người xung quanh. Chính nguyên nhân này dẫn đến rối loạn và chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ.
Giải pháp chính là giao tiếp
Để giảm thiểu rối loạn và sự chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em, một biện pháp quan trọng, cần phải thực hiện càng sớm càng tốt là hạn chế việc trẻ tiếp xúc với ti vi, màn hình vi tính, nhất là trong giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi, vì đây là thời kỳ trẻ bắt đầu xây dựng những cơ sở ban đầu về khả năng ngôn ngữ của mình. Một biện pháp khác là giao tiếp trực tiếp để hướng dẫn cho trẻ làm quen với các đồ vật, hành động, cử chỉ liên quan đến các yêu cầu và ước muốn của chúng. Trên thực tế, phương pháp này được các trung tâm nuôi dạy trẻ áp dụng khá thành công. Chẳng hạn như ở Trung tâm Hy vọng số I Hà Nội, nơi hiện đang chữa trị những trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ thông qua việc giúp các trẻ này phát triển khả năng giao tiếp. Trong những năm gần đây, 31 % số trẻ được dạy ở trung tâm này có kết quả tốt, một số trẻ đã hòa nhập vào các lớp mẫu giáo bình thường, 58% số trẻ có tiến bộ về mặt giao tiếp, ngôn ngữ và hành vi. Hay tại khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng II TP Hồ Chí Minh, nhờ các biện pháp sư phạm, trong đó người lớn cùng tham gia vào các trò chơi, các giáo viên đã hướng dẫn thành công cho hàng trăm trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, giúp trẻ trở nên bạo dạn hơn trong giao tiếp và biết sử dụng các từ ngữ cần thiết để biểu đạt nhu cầu.
Theo TS Nguyễn Huy Cẩn, gia đình cần chú ý tới các phương pháp có tính "cá biệt hóa", tức là tùy vào từng trường hợp cụ thể của mỗi trẻ mà có phương pháp phát triển ngôn ngữ thích hợp. Mặt khác, cần khuyến khích khả năng nói, tăng cường cho trẻ tiếp xúc với môi trường giao tiếp hấp dẫn. Không nên gò ép trẻ phải có tiến bộ ngay trong việc học các từ và câu mới mà cần dạy trẻ một cách dần dần, bền bỉ, mỗi ngày một số từ và câu nói mới, trong đó đặc biệt chú ý dạy trẻ những từ, ngữ cần thiết trong sinh hoạt và gọi tên đồ vật xung quanh. Cần thành lập những cơ sở chuyên nghiên cứu ứng dụng về bệnh lý ngôn ngữ. Việc nghiên cứu mang tính liên ngành nhằm khôi phục, phát triển khả năng ngôn ngữ cho trẻ bị rối loạn và chậm phát triển ngôn ngữ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.