(HNM) - Sưởi ấm để chống chọi với cái lạnh thấu da cắt thịt trong các đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều người đã bị bỏng nặng, phải nhập viện. Theo các bác sĩ Viện Bỏng quốc gia, Tết đang tới gần mà bệnh nhân bỏng, nhiều nhất là do lửa, than củi đang có xu hướng gia tăng khiến nhiều gia đình không được đón năm mới trọn vẹn.
Chăm sóc cháu Phạm Bảo Nhật bị bỏng đang điều trị tại Viện Bỏng quốc gia. |
Chuyện buồn củi lửa
"Xưa nay ở quê tôi, nhà nào cũng đặt chậu than trong nhà rồi ngồi xung quanh hơ ấm, có khi đặt cả dưới giường ngủ mà có thấy ai bị bỏng đâu. Không ngờ tai họa lại giáng xuống đầu nhà tôi". Tâm sự trên đây của mẹ bé Phạm Bảo Nhật, 30 ngày tuổi, là một ví dụ điển hình của việc bất cẩn khi dùng than để sưởi ấm. Bé trai này bị rơi úp mặt vào chậu than hoa, bị bỏng nặng và được đưa vào Viện Bỏng quốc gia từ ngày 14-1.
Kể lại tai nạn nói trên, chị Phan Thị Phương (37 tuổi) quê ở Nam Đàn, Nghệ An cho biết, khi đó trong căn buồng hơn 10m2 có hai mẹ con chị và người chị dâu đang sưởi ấm bên chậu than, trời rét nên cửa sổ và cửa ra vào đều đóng kín. Thấy chị dâu bị nôn, chị bế con đứng dậy định đạp cửa gọi người nhà thì cũng bị xỉu, buông tay làm rơi con trai vào đúng chậu than.
Theo bác sĩ Phạm Quang Thịnh, Khoa Hồi sức cấp cứu, do sưởi than trong phòng kín, không khí không lưu thông được nên gia đình chị Phương bị ngộ độc hỗn hợp khí CO, CO2. Cháu Nhật bị bỏng 15%, toàn bộ đầu và nửa mặt bên trái, trong đó bỏng sâu 3%, còn may là cháu không bị bỏng hô hấp, nếu không sẽ rất khó chữa. Trường hợp của bé Bảo Nhật không phải là cá biệt. Bé Tuyền (1 tuổi) ở Phổ Yên, Thái Nguyên cũng bị bỏng toàn bộ vùng mặt do ngã vào đống lửa mẹ đốt để sưởi ấm; bé Tình (Hòa Bình) bị bỏng 10% ở đầu, mặt, cổ và ngực do bà để bé nằm gần đống lửa…
Theo thống kê sơ bộ của Viện Bỏng quốc gia, trong hơn 1 tháng qua, đã 20 trường hợp bị bỏng do sưởi ấm bằng đốt củi, than, đa số là trẻ nhỏ và người già. Nhiều trường hợp bị bỏng nặng, sâu, đa số đều được chữa lành nhưng để lại sẹo. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bị bỏng quá nặng, không thể qua khỏi như bệnh nhân Quách Thị Phế (84 tuổi, ở Thanh Hà, Hải Dương) nhập viện do bỏng nặng 63%; có trường hợp bị nặng hơn, giờ vẫn trong giai đoạn "ngàn cân treo trên sợi tóc" dù đã được điều trị tích cực hơn 1 tháng nay như bệnh nhân Mao Thị Bắc (32 tuổi, Hà Giang). Điều dưỡng Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Viện Bỏng quốc gia Phan Trường Tuệ cho biết, hoàn cảnh gia đình chị Bắc rất khó khăn, dù đã được BHYT chi trả 80% song gia đình vẫn phải bán đất để có thêm tiền lo cho chị. Để có sức khỏe ổn định, chị Bắc còn phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và điều trị dài ngày, phải chi vài trăm triệu đồng nữa.
Những lời khuyên hữu ích
Thượng tá Đỗ Minh Châu, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Viện Bỏng quốc gia cho biết, sưởi ấm bằng than củi rất nguy hiểm vì dễ bị ngộ độc khí CO, CO2 hoặc gây bỏng, thậm chí dẫn đến cháy nhà. Nhưng trời rét đậm nên nhiều người, nhất là bà con ở các vùng quê, không có điều kiện để mua thiết bị sưởi ấm an toàn hơn, phải dùng cách truyền thống này. Bác sĩ Châu đưa ra lời khuyên: Khi sưởi ấm bằng than củi, người dân không nên đóng kín cửa; không nên để bếp than dưới gầm giường ngủ gần với thang giường, đệm, chăn dễ bắt lửa gây cháy. Nếu nhà có trẻ nhỏ, việc sưởi ấm càng phải cẩn trọng hơn, không để trẻ ngồi quá gần nguồn nhiệt vì da trẻ mỏng, dễ bị bỏng; đặc biệt, không để trẻ tự trông lẫn nhau vì chỉ một phút bất cẩn là tai nạn có thể xảy ra.
Với kinh nghiệm nhiều năm, các bác sĩ ở Viện Bỏng quốc gia cũng lưu ý, nếu không may bị bỏng, người nhà hoặc nạn nhân không được dùng mẻ, kem đánh răng, mỡ trăn để đắp lên vết bỏng. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến bệnh nhân bị tổn thương nặng thêm, khó cho việc điều trị. Thay vào đó, khi bị bỏng nên dùng nước mát, sạch, dội nhẹ nhàng, liên lục vào vết thương từ 16 đến 20 phút để làm giảm độ sâu của bỏng. Khi cởi bỏ quần áo qua chỗ có vết bỏng, phải rất cẩn thận để không làm trợt da. Sau đó, bệnh nhân phải được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Cẩn trọng khi sưởi ấm, biết cách phòng tránh bỏng và sơ cứu đúng cách khi không may gặp nạn sẽ giúp mỗi người tránh được nỗi buồn không đáng có khi Tết đến, xuân về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.