Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề phòng ngộ độc măng tươi

BS Nguyễn Hùng| 30/01/2012 07:43

(HNM) - Dịp Tết vừa qua, một chị hàng xóm nhà tôi phải đi bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc măng. Xin hỏi tại sao măng tươi cũng có thể gây ngộ độc cho người ăn và biểu hiện chính khi ngộ độc là gì?

Trong măng tươi có hàm lượng cyanide cao, khoảng 230mg/kg măng củ. Cyanide là một gốc acid (-CN) mà hợp chất của nó bao gồm các muối hoặc acid, có đặc tính rất độc, liều gây tử vong qua đường tiêu hóa là 1mg/kg trọng lượng cơ thể. Nếu người ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide sẽ lập tức biến thành acid cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể và gây ngộ độc. Sau khi ăn khoảng từ 10 đến 30 phút, tùy theo hàm lượng cyanide có trong măng mà người ăn có biểu hiện ngộ độc ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, co giật, cứng hàm, giãn đồng tử, suy hô hấp, hôn mê, suy tim... thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trường hợp người bệnh xuất hiện các dấu hiệu trên, phải lập tức giúp nạn nhân nôn thức ăn ra, sau đó đưa đến cơ sở y tế cấp cứu.

Để phòng ngộ độc, ngoài việc ngâm măng trước khi ăn vài ngày, người dùng nên luộc thật kỹ măng. Quá trình ngâm và luộc măng cần chú ý thay nước nhiều lần. Bởi vì nếu chỉ luộc sôi măng, hàm lượng cyanide vẫn còn khoảng 160mg trong mỗi kg, nhưng khi luộc và ngâm nước lâu ngày, măng hơi ngả sang màu vàng, đồng thời có mùi chua, thì hàm lượng cyanide chỉ còn 9mg trong mỗi kg măng. Đặc biệt lưu ý, không nên dùng măng tươi ngâm với dấm trong một vài ngày đã ăn ngay bởi rất dễ bị ngộ độc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề phòng ngộ độc măng tươi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.