Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để phát triển bền vững

Bắc Vũ| 03/12/2021 06:08

(HNM) - Lâu nay, Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, với những lợi thế riêng có, Hà Nội đã và đang khai thác hiệu quả, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Một trong những vấn đề luôn được ngành Du lịch Hà Nội quan tâm trong thời gian qua là việc nâng cao chất lượng điểm đến. Với các tiêu chí cụ thể, phù hợp như: An toàn, hấp dẫn, thân thiện…, Hà Nội đã hình thành nên hệ thống 21 điểm, khu du lịch được UBND thành phố công nhận. Nhờ vậy, công tác quản lý các điểm, khu du lịch này ngày càng chuyên nghiệp; cơ sở dữ liệu liên thông về các điểm đến đã tạo thuận lợi cho du khách tra cứu, tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm.

Đáng chú ý, hoạt động tại các điểm, khu du lịch đã hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần xây dựng nên thương hiệu du lịch Thủ đô ở cả trong và ngoài nước; đồng thời, khẳng định hướng đi đúng đắn của du lịch Thủ đô là phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững.

Định hướng quan trọng trong phát triển ngành Du lịch Thủ đô những năm tới là tiếp tục xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch, điểm đến chất lượng cao phục vụ du khách. Trên tinh thần đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 3928/QĐ-UBND ngày 13-8-2021. Đây là bước đi rất cần thiết và kịp thời để ngành Du lịch Thủ đô từng bước “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; đồng thời đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, giúp tăng nội lực cho lĩnh vực du lịch, tiến tới phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới.

Bộ tiêu chí được xây dựng dựa trên 6 nhóm tiêu chí lớn, liên quan mật thiết đến việc nâng cao toàn diện chất lượng các điểm đến. Do vậy, ngay từ bây giờ, các điểm, khu du lịch trên địa bàn Hà Nội cần nghiêm túc thực hiện tự đánh giá một cách thực chất, bài bản, bám sát theo từng tiêu chí để có cái nhìn toàn cảnh về những mặt được và chưa được, từ đó đề ra chiến lược phát huy giá trị của điểm đến, khắc phục hạn chế để nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong đó, các điểm, khu du lịch cần quan tâm đến việc xây dựng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu du khách trong bối cảnh hiện nay; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút du khách nội địa và quốc tế.

Đặc biệt, trên cơ sở kết quả đánh giá, các điểm, khu du lịch cần xác định những lợi thế, từ đó vừa bảo đảm đầy đủ các tiêu chí chất lượng cao nói chung, vừa hình thành nên tiêu chí đánh giá cho riêng mình trên cơ sở các quy định chung, để tăng sức hấp dẫn với du khách.

Cùng với đó, ngành Du lịch Hà Nội và các địa phương cần chú trọng việc liên kết giữa các điểm, khu du lịch để xây dựng những tour, tuyến chất lượng, hấp dẫn khách du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức, cùng tham gia vào việc duy trì, nâng cao chất lượng các nhóm tiêu chí của các điểm, khu du lịch.

Đối với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất lượng hoạt động của các điểm, khu du lịch. Trong đó, cần quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quảng bá du lịch…

Đánh giá đúng thực trạng, từ đó có kế hoạch nâng cao chất lượng điểm đến sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của du lịch Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.