(HNMO) - Chiều 29-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền làm việc với Học viện Nông nghiệp nhằm tìm giải pháp hữu hiệu, tận dụng "chất xám" đội ngũ khoa học, trí thức của Học viện trong tham vấn chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp lớn của Hà Nội; đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Học viện...
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Hà Nội có 17 huyện, 1 thị xã và 5 quận còn sản xuất nông nghiệp với 198,454 nghìn hecta đất nông lâm nghiệp, chiếm 58,91% tổng diện tích của thành phố.
Thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội tập trung phát triển theo tiểu vùng sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bền vững kết hợp du lịch; tập trung phát triển rừng và kinh tế dưới tán rừng.
Trong đề dẫn chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đặt vấn đề: Phát triển nông nghiệp của Hà Nội nằm trong top 3 của cả nước. Mặc dù ngành này đóng góp vào GRDP của Thủ đô không lớn nhưng có ý nghĩa, vai trò lớn trong đời sống kinh tế - xã hội khu vực ngoại thành. Nếu không gia tăng giá trị cho các vùng nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái thì rất khó nâng cao giá trị.
Theo ông Tạ Văn Tường, thông qua lợi thế, thế mạnh của Học viện Nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Hà Nội đề xuất hợp tác với Học viện một số nội dung như: Phối hợp, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội; giúp Hà Nội triển khai xây dựng hoặc hoàn thiện các quy trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có ứng dụng công nghệ mới để phát triển chăn nuôi, thủy sản hữu cơ, tuần hoàn, tạo sản phẩm có giá trị cao; tăng cường phối hợp chuyển giao kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học có tính khả thi, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thân thiện với môi trường...
Về hướng phát triển cho nông nghiệp Hà Nội, theo GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp, Hà Nội có 2 lợi thế căn bản, đó là gần các cục, vụ, viện, cơ quan nghiên cứu lớn của quốc gia; thị trường tiêu thụ rộng lớn. Việc phát triển nông nghiệp Hà Nội cần dựa vào quy hoạch của thành phố gắn với các đô thị vệ tinh, phát triển nông sản theo hướng đặc sản chất lượng cao. Về quy hoạch nông nghiệp, Hà Nội đang có 3 vùng: Nông nghiệp vùng bãi, vùng đồng bằng, vùng đồi gò, nhưng đối với thị trường Hà Nội, cần tư duy phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường xuất khẩu, thị trường nội đô và thị trường các tỉnh lân cận. Nếu tư duy thị trường được định hình gắn với sản xuất thì sẽ có sự lựa chọn phù hợp.
Tham dự buổi làm việc, nhiều giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp cho rằng, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội là khoảng trống lớn khi thanh niên hiện nay có quá nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Với nguồn lực lớn, Hà Nội nên có chính sách hỗ trợ đào tạo. Khi có nguồn nhân lực chất lượng cao thì nông nghiệp Hà Nội tự khắc có các mô hình đặc sắc. Học viện sẵn sàng bố trí đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất để hỗ trợ các địa phương của Hà Nội.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, những đóng góp của các nhà khoa học, quản lý của Học viện sẽ là căn cứ, gợi mở để Hà Nội có quyết sách mới cho phát triển nông nghiệp.
Liên quan đến các kiến nghị của Học viện Nông nghiệp về xây dựng, quản lý đất đai..., thành phố sẽ nỗ lực cùng đơn vị để giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương của Hà Nội thực hiện các nghiên cứu ứng dụng. Giai đoạn 2011-2022, Học viện đã thực hiện 630 đề tài khoa học công nghệ các cấp trên địa bàn thành phố. Nhiều quy trình công nghệ đã được áp dụng rộng rãi và cho thấy hiệu quả tích cực trong nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, như: Đề án "Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển đô thị Hà Nội xanh đến năm 2030, định hướng năm 2050"; Đề án "Bảo tồn và phát triển nguồn gen vi sinh vật Hà Nội"; Đề án "Quy hoạch, quản lý và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan thành phố Hà Nội"; Đề tài nghiên cứu "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.