(HNM) - Hà Nội hiện có trên 200 điểm tập kết rác sai quy định được xóa bỏ, thay thế bằng vườn hoa thanh niên, vườn hoa phụ nữ tự quản. Các hội viên phụ nữ và đoàn viên, thanh niên đã sáng tạo, tận dụng phế liệu tái chế thành những chậu hoa đẹp mắt làm đẹp phố phường.
Vườn hoa thanh niên tại Phương Mai, quận Đống Đa do Đoàn Thanh niên Báo Hànộimới phối hợp cùng Nhóm cộng đồng “Sen trong phố” thực hiện. |
Khảo sát thực tế một số điểm đã được Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn Thanh niên triển khai xóa bỏ chân rác xây dựng vườn hoa cho thấy, mọi người khó có thể nhận ra những khu vực này trước đây từng là “điểm đen” rác thải. Nhìn những cây hoa, lá tốt tươi ở vườn hoa phụ nữ tự quản tại ngõ 151 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, ai cũng sẽ ngạc nhiên khi biết, trước kia đây là "điểm đen" về rác thải sinh hoạt tự phát, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các gia đình trong khu vực. Trước thực trạng này, cán bộ, hội viên Chi hội phụ nữ 6, phường Ngọc Hà, đã lên kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác bừa bãi và tìm nguồn xã hội hóa, “biến” chân rác thành vườn hoa. Được sự ủng hộ của khu dân cư, sự nhiệt tình góp sức của hội viên phụ nữ, sau hơn một tháng, vườn hoa nhỏ, với những chậu hoa tận dụng từ vật dụng tái chế được hình thành. Sau đó, Chi hội phụ nữ phối hợp với Chi đoàn thanh niên chăm sóc, duy trì vườn hoa tươi tốt.
Vườn hoa thanh niên nhỏ xinh ở ngõ 167 Phương Mai, quận Đống Đa cũng được duy trì tốt trong hơn một năm nay. Khoảng 19h hằng ngày, người dân không vứt rác bừa bãi như trước mà mang ra đầu ngõ đợi xe rác để bỏ. Bà Nguyễn Thị Kim Luyến, một người dân ở Phương Mai, chia sẻ: “Vườn hoa khiến cả khu dân cư vui mừng, vừa xóa được điểm rác thải, vừa mang đến một hình ảnh mới, sạch, đẹp, văn minh hơn cho khu phố”.
Bên cạnh các vườn hoa đang đem lại niềm vui, lợi ích cho cộng đồng, tại một số điểm đã xuất hiện tình trạng bị xuống cấp, mất mỹ quan do thiếu sự chăm sóc. Có vườn hoa cây trồng bị chết khô không được thay thế, vỏ chai nhựa vứt bừa bãi và rác đã xuất hiện như vườn hoa trên đường Trần Cung - Cổ Nhuế, đường An Dương.
Để xóa bỏ điểm chân rác tự phát đã khó, việc duy trì vườn hoa càng khó hơn. Muốn giữ được thành quả này, ngoài việc chủ động chăm sóc, tổ chức hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên đều tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ từ chính người dân sở tại. Tại điểm vườn hoa thanh niên ngã tư Trần Quốc Toản - Quang Trung (quận Hoàn Kiếm), người dân đã chăm chút vườn hoa như của nhà mình. Ông Dương Hoàng Ngân, Tổ trưởng tổ dân phố số 7, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Vườn hoa làm thay đổi diện mạo của khu dân cư. Để bảo vệ vườn hoa, chúng tôi đã giao trách nhiệm cho tổ bảo vệ, đồng thời vận động Trường Tiểu học Quang Trung, lấy việc chăm sóc vườn hoa làm hoạt động ngoại khóa cho học sinh”.
Tại nhiều vườn hoa, hội viên phụ nữ phối hợp với đoàn viên, thanh niên, học sinh vẽ những bức tranh mang thông điệp bảo vệ môi trường lên tường, cử người thay nhau trực nhắc nhở nhân dân tham gia bảo vệ, nâng cao ý thức trách nhiệm, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Đồng thời chủ động chăm sóc, tưới cây hằng ngày, mua bổ sung, thay thế những cây bị hỏng, héo úa… Nhiều nơi trở thành khu vui chơi bổ ích cho thiếu nhi ngay sau khi bãi rác được xóa bỏ như: Vườn hoa phụ nữ tự quản của phường Tương Mai (quận Hoàng Mai), vườn hoa khu dân cư số 6, phường Ngọc Hà (quận Ba Đình)…
Dù mới được triển khai trong một thời gian ngắn nhưng việc xóa chân rác không theo quy định thành vườn hoa của phụ nữ và thanh niên Thủ đô bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, để những vườn hoa đẹp tiếp tục “tỏa hương” cần sự chung tay của cả cộng đồng. Khi ý thức của người dân được nâng cao, cùng chăm sóc, bảo vệ thì các vườn hoa sẽ được duy trì và phát triển bền vững…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.