Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nhân dân có cái nhìn chân thực, khách quan

Minh Ngọc| 20/05/2016 07:22

(HNM) - Hướng tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 nhiều triển lãm, trưng bày chuyên đề về các kỳ bầu cử đã được giới thiệu đến công chúng.


Thông qua hệ thống hình ảnh, tài liệu, hiện vật "biết nói", một lần nữa các tầng lớp nhân dân có cái nhìn chân thực, khách quan về sự kế thừa và phát triển liên tục của Quốc hội Việt Nam; thêm niềm tin vững chắc vào hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới.

Những người đại biểu xuất sắc

Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện ngay là "… tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu" để bầu ra Quốc hội. Vượt qua muôn vàn khó khăn, ngày 6-1-1946, cử tri cả nước nô nức thực hiện cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, đưa cách mạng Việt Nam sang trang sử mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp năm 1946, nhiều đạo luật, sắc lệnh, trong đó có 243 sắc lệnh về tổ chức bộ máy nhà nước, pháp luật, có nhiều nội dung đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quốc hội và cử tri đã được giới thiệu sinh động trong trưng bày chuyên đề "Người đại biểu của nhân dân" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), để lại ấn tượng đặc biệt đối với công chúng. Chị Ceridwen, du khách Pháp bày tỏ: Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng "Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn… Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta, quyền làm chủ thật sự của mỗi người công dân ta.

Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri". Điều đó không chỉ luôn luôn đúng ở Việt Nam, mà còn đúng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hình ảnh nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa I tại Hà Nội trong ngày 5-1-1946 hay hình ảnh Bác Hồ cầm lá phiếu cử tri bỏ vào hòm phiếu… có giá trị tuyên truyền tích cực. Bên cạnh đó là hình ảnh của những đại biểu ưu tú khác như đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Trân, Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Đóng góp to lớn của các đại biểu ưu tú cho Quốc hội, Tổ quốc, nhân dân được phác họa qua những hình ảnh, tư liệu rất đỗi chân thực, giản dị.

Cùng với trưng bày chuyên đề tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, BTC triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các kỳ bầu cử ĐBQH và bầu cử HĐND tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (19 Ngọc Hà - Hà Nội), triển lãm "Ngày hội của toàn dân" tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội)… cũng đã dành diện tích xứng đáng để giới thiệu về hoạt động của những người đại biểu nhân dân xuất sắc qua các thời kỳ.

Tiếp nối truyền thống

Điều mà công chúng cảm nhận được khi tham quan những triển lãm đặc biệt này không chỉ là hình ảnh, tấm gương về sự cống hiến của những đại biểu dân cử, mà còn là sự kế thừa và tiếp nối liên tục của các nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND các cấp. Nếu như Quốc hội khóa I bầu được hơn 300 đại biểu, thì đến Quốc hội khóa XIII, số đại biểu được nhân dân tín nhiệm bầu ra lên đến gần 500 người. Quan trọng hơn, hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp ngày càng đổi mới, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tin tưởng, kỳ vọng. Hoàng Lan Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) cho biết: Sinh ra và lớn lên khi đất nước yên bình, thế hệ thanh, thiếu niên hôm nay khó có thể hình dung được toàn cảnh bức tranh lịch sử, xã hội của Thủ đô và đất nước.

Khi tham quan triển lãm "Ngày hội của toàn dân", chúng em hiểu thêm về các vấn đề lịch sử, xã hội. Rõ là nhờ có cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 thì mới có các kỳ bầu cử tiếp sau. Nhờ có sự hy sinh của các thế hệ cha anh thì hôm nay mới có Thủ đô hiện đại, nhà cao tầng san sát, điện sáng khắp nơi, thiếu nhi được vui chơi ca hát… "Em háo hức chờ đến ngày bầu cử. Lần đầu tiên được cầm thẻ cử tri, được đi bỏ phiếu bầu cử, em nhất định sẽ thực hiện quyền công dân một cách trách nhiệm trong ngày bầu cử tới", Hoàng Lan Anh nói.

Giúp người dân thấy rõ sự đổi mới trong các hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp, các đơn vị tổ chức triển lãm đã giới thiệu khá nhiều hình ảnh, tài liệu về các kỳ bầu cử trong những năm gần đây. Nhìn những hình ảnh này, anh Phạm Văn Tám, Phó Trưởng phòng Công tác chính trị trường ĐH Văn hóa Hà Nội thể hiện sự kỳ vọng vào những ĐBQH, ĐB HĐND khóa tới. "Tôi mong những đại biểu được bầu sẽ hết lòng vì dân, vì nước. Mong các cơ quan nhà nước mạnh dạn tuyển chọn, đề bạt những cán bộ trẻ có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước", anh Phạm Văn Tám nhấn mạnh.

Là một trong số ít ĐBQH khóa I còn sống đến hôm nay, trong ngày khai mạc trưng bày chuyên đề "Người đại biểu của nhân dân", cụ Nguyễn Văn Trân đã có lời nhắn nhủ với thế hệ thanh niên: "Tương lai, các cháu là chủ nhân của đất nước, một số cháu sẽ trở thành những người đại biểu của nhân dân. Ngay từ hôm nay, các cháu nên sống, học tập, lao động, cống hiến bằng tất cả năng lượng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, góp phần tích cực xây dựng quê hương, đất nước". Đó cũng chính là thông điệp mà BTC các cuộc trưng bày, triển lãm diễn ra trong dịp này muốn gửi đến công chúng. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để nhân dân có cái nhìn chân thực, khách quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.