Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nhạc kịch không còn... xa xỉ

Thụy Du| 11/10/2016 07:01

(HNM) - Nguyễn Phi Phi Anh là cái tên đã được định hình với người yêu sân khấu Thủ đô qua 2 dự án nhạc kịch bùng nổ mùa hè 2012, 2013 là “Góc phố danh vọng” và “Đêm hè sau cuối”.


Các diễn viên tham gia diễn xuất vở nhạc kịch “Đêm hè sau cuối”.


Rất rành rọt, chàng trai trẻ nói về lần trở lại của mình với hai lý do: Diễn 3 vở liền và trong 35 buổi trải dài từ tháng 10-2016 đến tháng 1-2017, tại địa điểm quen thuộc Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Phi Anh muốn thay đổi định kiến thưởng thức lâu nay của khán giả, rằng nhạc kịch không chỉ dành cho giới trí thức, những người có tiền mà nó dễ xem và phù hợp với tất cả mọi người. Điều đó chứng minh bằng số lượng 10.000 khán giả, ở mọi thành phần mà Phi Anh hướng tới.

Ba vở nhạc kịch trong dự án “Mộng ước” là “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố danh vọng” và “Mộng ước không xa vời”. Chúng đều thực hiện theo phong cách broadway, tức là kết hợp giữa kịch, âm nhạc, vũ đạo để truyền tải câu chuyện hoàn chỉnh. Dàn nhạc 17 người chơi "sống" và 35 người biểu diễn có thể hát, nhảy, múa, diễn xuất trực tiếp trên sân khấu. Họ đều là những học viên, sinh viên có năng khiếu nghệ thuật, làm việc với Phi Anh với phương châm tỏa sáng theo cách riêng. Điều đặc biệt nhất trong các vở nhạc kịch của Phi Anh là âm nhạc. Đạo diễn trẻ sử dụng âm nhạc thời thượng, đang thịnh hành trên thế giới được chuyển soạn sang tiếng Việt. Đó là pop, là rock, là những bản nhạc đình đám của Lady Gaga, Bruno Mars, Britney Spears… lại pha trộn cả những giai điệu bất tử của các vở nhạc kịch nổi tiếng kiểu “Cabaret”, “Grease”, “Nine”… Nhiều người quan niệm nhạc kịch nghĩa là opera. Nhưng theo giải thích của Phi Anh, nhạc kịch sử dụng âm nhạc đại chúng, nó là opera khi opera là âm nhạc đại chúng. Ở Việt Nam hiện nay, người ta nghe nhiều nhạc gì, anh làm nhạc kịch với thể loại đó.

Có thể thấy hai vở đầu là dựng lại, Phi Anh cho biết: “Làm nghệ thuật có nghĩa là không ngừng cải thiện tác phẩm và mang lại cho khán giả những cảm xúc mới. Tôi thích bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ”. Vụ án mạng bí ẩn ở nhà bà Thìn trong “Đêm hè sau cuối”, hay câu chuyện tình lãng mạn, nhuốm màu cổ tích ở “Góc phố danh vọng” được bổ sung thêm những tình tiết mới, loại bỏ những thứ dư thừa để tiếp tục chinh phục khán giả. Chưa tiết lộ nhiều về tác phẩm thứ 3 trong dự án, nhưng đạo diễn nói đó là những câu chuyện phiếm ghép lại, chủ yếu thu thập trên phương tiện taxi Uber đang phổ biến. Nó cũng ngập tràn cảm xúc, thắt mở liên tục, vui nhộn, hóm hỉnh và trẻ trung. “Tôi muốn khán giả hiểu hơn về nhạc kịch và về tôi, mỗi vở diễn là một góc nào đó, có thể xem tất cả hoặc lựa chọn”, Phi Anh chia sẻ.

Các vở nhạc kịch của dự án “Mộng ước” đều có một số lượng vé nhất định, gọi là vé “Hy vọng” chỉ 99 nghìn đồng, 199 nghìn đồng cho học sinh, sinh viên hay 300 nghìn đồng vé đồng hạng. Vé “Hy vọng” dành cho khán giả ít có cơ hội hay chưa có nhu cầu vào rạp hát xem biểu diễn nghệ thuật do hoàn cảnh. Đó có thể là một cậu bé đánh giày lang thang trên hè phố, một cô bán rau cặm cụi sớm hôm, một bạn trẻ phục vụ trong quán ăn bình dân hay anh thợ xây, bác giúp việc… họ sẽ được khán giả mua tặng vé này để đến với những đêm nhạc kịch đầy màu sắc.

Vở “Đêm hè sau cuối” được chọn để mở đầu dự án “Hope” và đã có buổi diễn đầu tiên tối 4-10. Trong tháng 10, vở sẽ tiếp tục vào các tối 11, 12, 13.

“Hope nhiều người dịch là hy vọng, nhưng với tôi, đó là mộng ước, để thể hiện mong mỏi khán giả Hà Nội có một sân chơi văn minh, được xem những chương trình nghệ thuật - giải trí chất lượng, sẽ tìm thấy niềm vui, sự lạc quan khi màn nhung khép lại. Xa hơn nữa, “Hope” mong muốn truyền động lực cho những hy vọng, để ai cũng thực hiện được mộng ước của riêng mình”, đạo diễn trẻ tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để nhạc kịch không còn... xa xỉ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.