Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nhạc cổ điển đến gần công chúng hơn

An Nhi| 05/07/2012 07:11

(HNM) - Một sự kiện được nhiều người yêu nhạc cổ điển đón đợi sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 14 và 15-7 tới. Đó là 3 buổi diễn trong



Nghệ sĩ Bùi Công Duy. Ảnh: Giang Huy


- Một chương trình hòa nhạc quy mô lại hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Nghe nói anh ấp ủ đã hai năm?


- Từ khi về Việt Nam cách đây mấy năm, tôi đã muốn thực hiện được những chương trình hòa nhạc tầm cỡ như vậy rồi. Hai năm là để lên kế hoạch cho một sự kiện này thôi. Và thời cơ đã đến. Nhạc trưởng của Dàn nhạc Berliner Symphoniker Lior Shambadal đã bày tỏ rất thích Việt Nam sau lần đến biểu diễn cùng tôi trong chương trình hòa nhạc Bitexco năm ngoái. Tôi liền nảy ra ý định mời dàn nhạc của ông và được sự hậu thuẫn của chính nhạc trưởng cùng một thành viên người Việt trong dàn nhạc là nghệ sĩ Lê Ngọc Anh Kiệt.

- Đã được chơi nhạc dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lior Shambadal, anh có thể nói gì về ông?

- Nhạc trưởng là một người hóm hỉnh, luôn tạo hứng thú cho người chơi. Làm việc với ông, tôi có cảm giác an toàn tuyệt đối bởi ông đã dẫn dắt thành công hàng trăm, hàng ngàn chương trình trên khắp thế giới. Với kinh nghiệm và hiểu biết rộng, ông đã chỉ dẫn cho tôi rất nhiều. Đây là một trong những nhạc trưởng tôi thích làm việc nhất.

- Vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa là người tổ chức, chắc anh rất vất vả?

- Quả thật là nhiều việc. Ở nước ngoài nghệ sĩ chỉ việc chuyên tâm vào biểu diễn, có người sắp xếp mọi việc cho mình. Nhưng ở Việt Nam mình phải làm hết tất cả, có vô số việc không tên. Tuy nhiên, khi mời được Dàn nhạc Berliner Symphoniker sang đây tôi cảm thấy rất tự hào.

- Những nhà tổ chức “tay ngang” là Bùi Công Duy, BTV Anh Tuấn và đạo diễn Việt Tú đã gặp nhau như thế nào trong chương trình này?

- Chúng tôi đều học giao hưởng từ Học viện Âm nhạc quốc gia nên rất yêu và hiểu thể loại này. Tôi học violon, Anh Tuấn học cello còn Việt Tú ở môn kèn clarinet. Hơn tất cả, chúng tôi luôn mong muốn đưa nhạc cổ điển đến gần công chúng hơn. Mỗi người một công việc cụ thể, tôi chỉ đạo nghệ thuật, Tú là tổng đạo diễn, Tuấn là nhà sản xuất chương trình.

- Mời dàn nhạc đẳng cấp quốc tế phải có kinh phí rất lớn. Các anh huy động được từ đâu?

- Cũng khó ai có thể tưởng tượng chúng tôi lo nổi, nhất là trong thời buổi suy thoái kinh tế như hiện nay. May mắn chúng tôi đã mời được một số doanh nghiệp tầm cỡ tài trợ. Họ cũng rất tâm huyết và quan tâm đến âm nhạc cổ điển.

- Có điều gì đặc biệt trong “Enternal Concert”, thưa anh?

- Một điều chưa từng có ở Việt Nam đó là dàn nhạc sẽ chơi 3 chương trình khác nhau trong 3 buổi diễn, tối 14-7, chiều và tối 15-7. Sẽ phải tập luyện rất vất vả nhưng chúng tôi cố gắng để khán giả thưởng thức nhiều tác phẩm hơn. Nhạc mục được lựa chọn khá gần gũi với công chúng, có cả những tác phẩm kinh điển để bảo đảm một chương trình hòa nhạc đẳng cấp, cả những giai điệu quen thuộc, dễ nghe như: phần mở đầu của vở opera “Ruslan and Lyudmila”; phần mở đầu vở “Carmen”, “Vũ khúc Slavo” số 2 và 8, “Vũ khúc Hungary”… Vì thế tên chương trình mới là “Những giai điệu cổ điển vượt thời gian”.

- Anh chuẩn bị gì về chuyên môn trong chương trình này?


- Tôi đã chơi nhiều lần những tác phẩm này trên khắp các sân khấu ở trong và ngoài nước nên khá nhuần nhuyễn. Lúc này, tôi rất phấn chấn khi được chơi cùng dàn nhạc tại chính quê hương mình. Tôi sẽ cố chơi tốt nhất để sau này sẽ có nhiều dàn nhạc nữa tới Việt Nam.

- Cảm ơn anh và chúc chương trình thành công!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để nhạc cổ điển đến gần công chúng hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.