Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nhà văn sống được bằng nghề

Thủy Tiên| 27/09/2015 06:35

(HNM) - Hơn 100 nhà văn sinh sau năm 1975 đã tham gia


Có một thời, tiền nhuận sách của nhà văn có thể mua được nhà, nhưng thời nay thì đó là chuyện không tưởng. Vì sao ngày nay các nhà văn không sống được bằng nghề? Vì bị văn học dịch cạnh tranh? Vì văn hóa đọc xuống cấp? Vì hôm nay con người có nhiều sự lựa chọn nên ít tìm đọc văn học trong nước? Hoàn toàn không phải vậy mà vấn đề nằm ở chỗ những quy định pháp lý trong lĩnh vực xuất bản bị buông lỏng và cả những quy định đã lỗi thời vẫn tồn tại. Cách đây không lâu có tác giả trẻ in sách, vui mừng trước đứa con tinh thần, anh mua hết 1.000 cuốn mà công ty văn hóa nọ liên kết xuất bản, nhưng kỳ lạ thay dù mua hết số sách đã in nhưng anh thấy ngoài thị trường vẫn còn sách bán. Và anh hiểu công ty văn hóa đó đã in nhiều hơn số lượng công bố. Cũng mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt quả tang ba cá nhân, đơn vị in quá số lượng ghi trong giấy phép xuất bản, trong đó có ấn phẩm in 1.000 cuốn nhưng thực tế đã in tới 9.000 cuốn. In nhiều nhưng họ chỉ thanh toán nhuận sách như trong giấy phép và 1.000 cuốn tùy theo giá bìa, nhà văn chỉ nhận được trên dưới 10 triệu đồng.

Một cuốn tiểu thuyết có khi vài năm mới viết xong mà có từng ấy tiền thử hỏi nhà văn có sống được bằng nghề? Câu chuyện các cá nhân, đơn vị làm sách in quá số lượng trên giấy phép thì từ lâu các nhà văn đều biết nhưng vì không có chứng cứ nên đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", để họ sống trên lưng mình.

Không chỉ có vậy, nếu cuốn nào thu hút độc giả thì ngay lập tức bị in lậu. Trong trường hợp này các nhà xuất bản bị thiệt hại, song những kẻ in lậu không bao giờ trả tiền nhuận bút cho tác giả. Kẻ vô lại thu lợi trên lưng nhà văn. Thế nhưng quy trình để bắt một sạp sách bán sách in lậu không đơn giản: Phải lập đoàn kiểm tra, phải có đủ thành phần. Có nhà văn biết chắc sách của mình bị in lậu nhưng chỉ có thể im lặng, vì có làm đơn gửi cơ quan chức năng chưa chắc họ đã điều tra, mà có điều tra, tìm ra thủ phạm thì kẻ làm bậy chỉ bị xử phạt hành chính nộp tiền cho Nhà nước còn tác giả cũng chả được tiền vì số sách ấy bị tịch thu và tiêu hủy.

Một bất cập khác là tiền nhuận sách. Cơ quan chức năng quy định, tiền nhuận sách là 10% giá bìa nhân với số lượng xuất bản. Có một nghịch lý ở đây: Dù sách là hàng hóa đặc biệt nhưng cũng vẫn là hàng hóa mà đã là hàng hóa thì nhà văn (tức người bán) và người mua (nhà xuất bản) sẽ tự thỏa thuận giá với nhau, tại sao cơ quan quản lý lại thay vai trò của nhà văn trong cuộc mua bán đó? Không những thế cơ quan quản lý dựa vào đâu để định ra nhuận sách là 10%? Năm 2000, 1 USD ăn 11.000 đồng Việt Nam, đến nay 1 USD đổi được hơn 22.000 đồng Việt Nam, nghĩa là tiền Việt Nam đã bị mất giá so với đồng USD nhưng quy định nhuận sách không thay đổi? Những bất cập trên kéo dài đã lâu làm nản lòng các nhà văn lập thân bằng nghề và nó không mấy hào hứng với nhiều người viết văn trẻ. Thế nên họ viết vì nhu cầu tự thân chứ không coi viết văn là một nghề. Nhà văn thì cũng "có thực mới vực được đạo".

Có lẽ không cần nói vai trò của văn chương trong nước nói riêng và văn học thế giới nói chung đối với đời sống con người và xã hội thế nào. Nếu không giải quyết những bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực xuất bản thì những người viết văn trẻ chắc ngày càng ít dần. Một đất nước ham học, ham đọc có bề dầy văn hóa như Việt Nam mà không có một nền văn học mạnh mẽ và giàu bản sắc sẽ là một thất bại về văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để nhà văn sống được bằng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.