Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nhà báo gần hơn với doanh nghiệp

Hồng Sơn| 19/06/2015 06:29

(HNM) - Hết năm này qua năm khác, nhà báo kinh tế trở thành nhân chứng cho cả một giai đoạn phát triển kinh tế nói chung và đời sống DN nói riêng.

Một lần tâm sự chuyện nghề, cũng là suy ngẫm về cuộc sống nói chung, một đồng nghiệp buông câu như tổng kết sự đời rằng: DN cũng như con người nên có nơi tốt và giỏi, nhưng ngược lại cũng có đơn vị yếu kém, trình độ non lại hay có cái tật "bóc ngắn, cắn dài" thay vì "lấy ngắn nuôi dài". Ấy là hình ảnh trái ngược giữa một bên biết lo toan, bươn trải với một bên chỉ biết "gặm" vào đồng vốn, hoặc sa vào suy thoái rồi lại chấp nhận cảnh "ăn quẩn cối xay".

Cũng bởi thế, nhiều năm theo dõi, viết về DN chắc ai cũng từng khen ngợi, tôn vinh những đơn vị tiêu biểu, giỏi làm kinh tế, biết lấy hiệu quả đồng vốn làm trọng, lại không quên tham gia vào những hoạt động từ thiện, nhân đạo của xã hội. Cũng còn nhớ, không ít lần đi làm việc, phải nghe những thông tin đáng lo, đáng ngại về sự yếu kém, đến nước phải phá sản của DN này, công ty kia mà thấy nản, thấy day dứt. Thời buổi kinh tế thị trường buộc DN phải cạnh tranh để tồn tại, tiếp theo là có lãi để duy trì hoạt động của đơn vị. Thương trường ngày càng quyết liệt, hà khắc, được ví như chiến trường - nơi mà thành công của người này đương nhiên cũng là sự thất bại của kẻ khác.

Người thành công được khen thì đương nhiên, kẻ thất bại phải chịu dư luận không hay, thậm chí là "ăn" cả búa rìu dư luận. Tuy nhiên, trên thực tế, trong rất nhiều trường hợp, ranh giới giữa năng động, sáng tạo với "xé rào", hay "cố ý gây hậu quả nghiêm trọng" cũng khá mong manh. Đó cũng là thực tế lý giải vì sao chưa bao giờ có nhiều doanh nhân thành đạt, được biểu dương như hiện tại. Nhưng, cũng có thể ngay sau đó cũng con người ấy sẽ trở thành tội đồ, rơi vào vòng lao lý. Nghĩa là ranh giới giữa "anh hùng" và "tội phạm" trong làm ăn kinh tế đôi khi liền kề, chồng lấn nhau thật khó phân định.

Bởi vậy, nói như một số tổng biên tập đã nhiều năm lăn lộn với nghề, người cầm bút chuyên viết về DN cần có độ chín chắn, sự cảm thông và phải công tâm trong phản ánh, nhận định, đánh giá về DN. Nếu thiếu đi những phẩm chất này, có khi nhà báo sẽ "báo hại" DN, đẩy DN vào con đường bế tắc. Ngoài ra, nếu nhà báo "non" tay viết hoặc cẩu thả cũng vô tình làm khổ DN khi đưa ra những chứng cứ, số liệu sai lệch mà vẽ ra hình ảnh phiến diện, phản cảm về một đơn vị khiến DN bị thiệt hại cả về uy tín, thương hiệu lẫn tài chính.

Đáng buồn hơn hiện một bộ phận nhà báo dần sa vào lối tư duy cứng nhắc, thờ ơ, vô cảm với DN; quay lưng với nhu cầu chắt lọc của dòng chảy cuộc sống. Thậm chí, có nhà báo đã ra tòa vì đe dọa, "bóp nặn" DN. Trong một sự kiện gặp gỡ giữa DN và cơ quan báo chí mới đây, một doanh nhân thuộc lĩnh vực bất động sản cho biết, đơn vị của mình gặp trục trặc vì nguyên nhân khách quan, có thể coi như là rủi ro bất ngờ dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Sau đó, đơn vị bị khoảng chục nhà báo đến "hỏi thăm", đặt điều kiện về kinh tế. Cũng có đại diện hiệp hội DN cấp tỉnh thừa nhận, nếu không có sự giới thiệu từ một địa chỉ uy tín nào đó thì DN rất ngại đón tiếp và sẵn sàng từ chối nhà báo vì không biết điều gì sẽ xảy ra (!)

Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu chung, đại diện hội nhà báo cũng như nhiều nhà báo có tâm với nghề thẳng thắn nhấn mạnh, cần xác lập quan hệ nhà báo - DN là sự hợp tác, vì công việc chung; trong đó cần xác định nhà báo - với vai trò và vị trí đặc biệt của mình, là người hỗ trợ DN chân chính, tôn vinh những đơn vị thành công trong kinh doanh. Đây là hai lực lượng đồng hành, vì sự phát triển của xã hội.

Cả nước hiện có hơn 500.000 DN đang hoạt động, trực tiếp đóng góp vào ngân sách cũng như tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Nhà báo đang tìm thêm những điển hình tiên tiến để tuyên truyền, nhân rộng, chắp mối thị trường, cung cấp thông tin cũng như tìm kiếm đối tác cho DN. Mỗi sớm mai, mở trang báo kinh tế ta vẫn thấy đầy ắp sự kiện, từ hình ảnh một cây cầu vừa liền nhịp qua sông đến một DN tận vùng xa đang tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí... Đó là minh chứng cho sự đồng hành của nhà báo với DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để nhà báo gần hơn với doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.