(HNM) - Tại Hội chợ Vàng khuyến mãi (18 đến 21-11) tổ chức ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, gian trưng bày hàng giả, hàng thật luôn đông nghẹt người tham quan. Những hoạt động trên thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân...
Người dân chọn lựa sản phẩm tại Hội chợ Vàng khuyến mãi 2010. |
Bà Nguyễn Quỳnh Anh (phường Liễu Giai, quận Ba Đình): Hy vọng sẽ giải quyết từ gốc vấn nạn hàng giả, hàng nhái...
Phải thừa nhận rằng, nhờ sự tiến bộ của công nghệ in bao bì, nhiều mẫu hàng giả được in đẹp không kém hàng thật nên nếu không tinh ý, không có kiến thức tiêu dùng, khách hàng sẽ dễ dàng bị nhầm lẫn. Hành vi lừa dối, gây nhầm lẫn cho NTD cũng đã được quy định rất rõ tại Luật Bảo vệ NTD. Trên thực tế hiện nay chúng ta vẫn tồn tại một khái niệm "hàng gia công", những sản phẩm mang thương hiệu và kiểu dáng gần giống những sản phẩm có uy tín trên thị trường, do các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ làm ra, chủ yếu được bán ở khu vực nông thôn, miền núi. Đây thực chất là những sản phẩm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng nhưng vì được tiêu thụ ở những khu vực hẻo lánh, trình độ dân trí chưa cao nên không dễ bị phát hiện. Việc ra đời Luật Bảo vệ NTD với những quy định chặt chẽ, chế tài xử phạt nghiêm, biện pháp giải quyết hiệu quả của cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền chắc chắn sẽ hạn chế được từ "gốc" vấn nạn này.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Mỹ Đình, Từ Liêm): Ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là cực kỳ cần thiết...
Do điều kiện kinh tế không mấy dư dả để thường xuyên mua sắm tại siêu thị, hằng ngày tôi vẫn phải mua thực phẩm cho gia đình tại các chợ cóc, chợ tạm gần nhà dù biết chắc hàng hóa bày bán tại đây không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chưa bao giờ trên báo, đài lại đầy rẫy những thông về các trường hợp ngộ độc thực phẩm, thực phẩm nhiễm độc chất... nhiều như thời gian qua. Từ rau muống bè trên sông bị nhiễm chì và các kim loại nặng, củ hành bị tẩm chất bảo quản và chống mốc, giò, chả, bánh cuốn có hàn the, cá biển bị ướp phân urê, nước tương chứa chất 3-MCPD, bánh phở được "tẩm" phoocmôn... Thực phẩm không bảo đảm vệ sinh tràn lan đến nỗi, suốt một thời gian dài, dường như cả NTD, người kinh doanh và các cơ quan quản lý đều cảm thấy đây là "chuyện nhỏ". Dù được gọi là "Thượng đế" nhưng thực chất NTD liên tục bị thiệt hại và chỉ đến khi sức khỏe, quyền lợi bị xâm hại, họ mới chạy đôn đáo khắp nơi vì không biết "gõ" chỗ nào mới đúng cửa! Chính vì vậy, sự ra đời của Luật Bảo vệ NTD là cực kỳ cần thiết. Không chỉ quy định cụ thể quyền của NTD, các hành vi bị cấm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ..., điểm mới của luật so với Pháp lệnh Bảo vệ NTD trước đây là quy định tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD khi có đủ các điều kiện cần thiết... Rất mong khi các quy định, thông tư hướng dẫn thể chế hóa Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được ban hành, NTD sẽ có một "điểm tựa" vững chắc để khi có "sự cố" xảy ra, sức khỏe và quyền lợi của NTD sẽ được bảo đảm.
Anh Nguyễn Hồng Thái (phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân): Cần chứng minh sức mạnh của các "Thượng đế"
Sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD thời điểm này không phải là sớm, nhưng muộn còn hơn không. Trước đây, mỗi khi bị thiệt hại, NTD chỉ biết khiếu nại đến nhà sản xuất, Hiệp hội Bảo vệ NTD hoặc các cơ quan báo chí. Nhưng nay, với quy định của luật, họ có thể trực tiếp đưa vụ việc ra tòa. Điều đó cho thấy, với việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, vai trò, vị thế của NTD đã được nâng lên tầm cao mới. Tuy nhiên, dù các văn bản luật được làm chặt chẽ đến đâu, yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chính là NTD. Trường hợp Vedan là một ví dụ cụ thể. Theo tôi đã đến lúc chúng ta cần dấy lên phong trào NTD tẩy chay các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và tiến tới tẩy chay tất cả các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, giá quá cao, trốn thuế, có hành vi gian lận thương mại... Đây là cách thể hiện sức mạnh của các "thượng đế", khiến các cơ sở sản xuất không dám làm liều, thu lợi nhuận bằng mọi giá...
Ông Phạm Trường Giang (phường Định Công, quận Hoàng Mai): NTD cần nắm luật để biết cách tự bảo vệ mình...
Những ngày qua, các nội dung chủ yếu của Luật Bảo vệ NTD được đăng tải khá chi tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là một bộ luật được đông đảo người dân quan tâm. Đúng như tên gọi "Bảo vệ NTD", các quy định của bộ luật này chủ yếu nhằm xác định các quyền của NTD, những việc NTD cần làm khi quyền của mình bị xâm phạm; nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, hàng hóa. Bản thân mỗi NTD cũng cần tìm hiểu các quy định, từ đó mới biết cách bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình đã được pháp luật công nhận. Ví dụ, khi lựa chọn sản phẩm, NTD chỉ nên sử dụng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, mua tại những địa điểm kinh doanh có uy tín hoặc đã được đăng ký đại lý chính hãng… Khi phát hiện hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức kinh doanh, tùy mức độ hoặc phạm vi ảnh hưởng của vụ việc, cần đến Hội Bảo vệ NTD hay tòa án để phản ánh, khởi kiện...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.