(HNM) - Đại hội lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp, trong không khí đất nước vào Xuân với những kỳ vọng mới, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong năm 2016.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân". Với tinh thần đó, Tổng Bí thư yêu cầu "cả hệ thống chính trị phải đoàn kết thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm".
Nhiệm vụ đặt lên vai các cấp, ngành, địa phương với khối lượng công việc rất lớn. Đặc biệt là trong việc lựa chọn, hiệp thương giới thiệu người thực sự có tâm, tài, đức để cử tri lựa chọn bầu vào những cơ quan quyền lực quan trọng của đất nước. Thông tin tại hội nghị toàn quốc tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đề ra phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ; một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND các cấp trong nhiệm kỳ 2016-2021 cho biết chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND các cấp đã được nâng lên, với những thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, cũng có những đại biểu HĐND đã không hoàn thành trách nhiệm, có hành vi vi phạm pháp luật, phụ lòng tin, sự tín nhiệm của cử tri. Cụ thể, tính tới thời điểm hiện tại, trong nhiệm kỳ 2011-2016, đã có 6 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 160 đại biểu HĐND cấp huyện ở 32 tỉnh, thành phố và 1.240 đại biểu HĐND cấp xã ở 51 tỉnh, thành phố đã bị bãi nhiệm, mất quyền đại biểu HĐND. Những người này ít nhiều đã làm ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan dân cử. Bãi miễn quyền đại biểu của họ là cần thiết và đã được tiến hành.
Với cử tri đây là việc không hề mong muốn nếu không muốn nói rất đau xót. Từ đó, cử tri càng mong mỏi, đòi hỏi cao về những người tham gia ứng cử. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, lựa chọn, hiệp thương giới thiệu những người có tài, có đức - có tâm, có tầm tham gia ứng cử chính là để người dân thực hiện tốt quyền làm chủ của mình. Kiên quyết không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư tưởng cục bộ, bảo thủ... Chỉ còn vài tháng nữa là sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Thời gian không còn nhiều và rõ ràng các cơ quan hữu trách và mỗi địa phương phải thực sự "tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử", đặc biệt là ở cấp cơ sở, nơi có không ít đại biểu bị bãi nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.