(HNMCT) - Nhiều người gọi tuổi già là tuổi "về chiều”, cái tuổi cần nghỉ ngơi, an dưỡng. Nhưng trên thực tế người cao tuổi luôn có vị trí quan trọng trong gia đình cũng như cộng đồng. Họ chính là tấm gương mẫu mực, có vai trò dẫn dắt, định hướng hành vi cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ nền nếp, gia phong, truyền thống quê hương...
Tuy nhiên, giữa guồng quay hối hả của xã hội đương đại, vẫn có không ít cảnh già cô đơn trong chính ngôi nhà của mình bởi sự chênh lệch về tuổi tác, sự khác biệt về ý thức hệ. Những lệch lạc trong nhận thức, ứng xử như vậy cần sớm được điều chỉnh để người cao tuổi thực sự "sống vui, sống khỏe, sống có ích", phát huy vai trò "cây cao bóng cả", góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống.
Truyền thống tốt đẹp
Trong suốt tiến trình phát triển của đất nước, thế hệ cha ông luôn để lại cho đời sau di sản văn hóa được hình thành từ chính bàn tay, khối óc. Và đóng góp không nhỏ vào thành tựu của đất nước, có công rất lớn của các “cây cao, bóng cả”, thế hệ nắm rất rõ những kinh nghiệm về thời tiết, giống má, phương tức canh tác, ứng xử xã hội...
Người cao tuổi có kinh nghiệm sống rất phong phú, nắm vững phong tục, tập quán lâu đời của làng quê, đất nước. Họ đóng vai trò truyền thụ, hướng dẫn kinh nghiệm sống cho con cháu, gia đình và cộng đồng. Cũng chính vì thế mà tinh thần trọng lão ở thời kỳ nào cũng luôn được đề cao, thậm chí với người xưa “lục thập tri thiên mệnh” - 60 tuổi trở lên có thể hiểu được cả “mệnh trời”, khi làng có việc, các bô lão sẽ được ngồi ngang hàng với văn khoa, tiến sĩ.
Dân gian còn có câu: “Triều đình trọng tước, hương ước trọng xỉ”, nghĩa là trong triều đình thì trọng những người có có chức tước cao nhất, còn ở làng xã thì trọng những người có tuổi cao nhất. Nhiều làng trong hương ước còn dành một phần ruộng đất công hay hoa lợi dùng vào việc biếu xén cho các cụ cao tuổi, gọi là “ruộng biếu” hay còn gọi là “lão điền”...
Ấy là ngoài xã hội, còn dưới mỗi nếp nhà, từ xa xưa người Việt đã có truyền thống sống quây quần nhiều thế hệ, “tam, tứ đại đồng đường”. Cũng từ đây, nhiều nét đẹp trong văn hóa ứng xử như: “Kính trên nhường dưới”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”... được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Trong tác phẩm “Thanh lịch”, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Đạo Thúy cũng khẳng định, thuần phong, mỹ tục của người Hà Nội được xây dựng từ người lớn đến trẻ nhỏ: "Các thầy đồ dạy học trò, cái mình không muốn thì đừng làm cho người”. Bà dặn cháu “được lòng ta, xót xa lòng người”. Trẻ con khua trống, bố mẹ bảo “đừng làm điếc tai hàng xóm”. Trẻ con chơi với nhau hay cãi cọ, bố dặn: “Khéo không việc của trẻ con lại làm mất lòng người lớn!”... Cứ thế, người trẻ được học từ người già những bài học về nhân văn, về đối nhân xử thế, từ đó hình thành nên văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng dân cư, văn hóa xã hội.
Sự khác biệt về tâm lý, nhận thức
Xã hội hiện đại ồn ào náo nhiệt, may mắn thay ít nhiều vẫn giữ được truyền thống văn hóa xưa. Các gia đình dù có cuộc sống độc lập hơn, không ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến, nhưng dù không chung sống trong một ngôi nhà, đa phần người Việt Nam vẫn coi gia đình là trên hết. Câu tục ngữ “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” bao hàm nhiều tầng nghĩa sâu sắc, khẳng định vai trò của người cao tuổi đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong văn hóa ứng xử của người Việt, người cao tuổi luôn được kính trọng, là lớp người từng trải, là “kho tri thức”, “kho kinh nghiệm”, “bộ sách giáo khoa” không cần in ấn... làm cho mạch sống văn hóa dân tộc trường tồn.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít những cảnh già cô đơn trong chính ngôi nhà của mình do sự chênh lệch về tuổi tác và cách ứng xử không đúng của người trẻ. Chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết: “Hiện nay, do sức ép về lao động, việc làm, sinh kế trong thời kỳ kinh tế thị trường, khiến cho không ít các bậc con cháu mải miết mưu sinh, ít quan tâm đến gia đình, người thân dẫn đến việc người già lâm vào tình trạng cô đơn, giá trị văn hóa gia đình truyền thống bị suy giảm. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện trạng này, nhưng có lẽ, nguyên nhân cơ bản là do sự khác biệt về tâm lý lứa tuổi và nhận thức thế hệ, khiến mối quan hệ giao tiếp giữa con cháu và ông bà gặp không ít trở ngại”...
Định vị lại hành vi ứng xử
Nhận thức rõ ý nghĩa sâu sắc về vai trò của người cao tuổi, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách chăm lo, những chủ trương để phát huy vai trò của "cây cao bóng cả". Các phong trào như "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", “Tuổi cao - gương sáng”..., các tổ chức hội chuyên chăm lo, quan tâm đến người cao tuổi đã được triển khai đến từng tổ dân phố, tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhất là trong xây dựng nông thôn mới..., qua đó, kinh nghiệm sống, giá trị nhân văn, văn hóa, tiến bộ và văn minh qua sự chắt lọc của thời gian luôn được kế thừa và phát huy.
Đặc biệt, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bao gồm những nội dung quan trọng liên quan tới vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội, đặc biệt là hai nội dung: “Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu; Yêu thương”; “Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo; Lễ phép”. Cụ thể hơn, đó là cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; quan tâm, chăm sóc con cháu khi con cháu còn nhỏ; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu giữ gìn nền nếp, gia phong; có tình cảm gắn bó tha thiết. Ngược lại, con, cháu phải có lời nói, cử chỉ, hành động thể hiện sự kính trọng, biết ơn, giúp đỡ cha mẹ, ông bà; thăm hỏi, chăm sóc, động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu...
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học, cho rằng, những nội dung đề cập tới việc ứng xử với người cao tuổi trong Bộ tiêu chí ứng xử là vô cùng cần thiết. Ông nhấn mạnh: “Trước thực tế là văn hóa ứng xử với người cao tuổi bị lung lay, phá vỡ nhiều yếu tố văn hóa tuyền thống, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đặt ra tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà phải hiếu thảo, lễ phép là để các thành viên trong các gia đình có dịp đánh giá và nhìn nhận lại mối quan hệ này để điều chỉnh lại hành vi của mình”.
Cả cuộc đời hấp thụ tinh hoa, truyền thống của gia đình và cộng đồng, người cao tuổi chính là lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Chính vì vậy, việc quan tâm chăm sóc chu đáo người cao tuổi, ứng xử cho đúng để họ sống vui, sống khỏe, sống có ích phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn nhận vấn đề của thế hệ con cháu. Để rồi dựa vào “bóng bách, bóng tùng”, những nét đẹp văn hóa trong ứng xử, truyền thống “trên kính dưới nhường”, những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình sẽ mãi được lưu truyền và tiếp nối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.