(HNM) - Năng lượng không chỉ bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cho đời sống xã hội, mà còn cung cấp chỉ tiêu đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế khác của đất nước. GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm thì yêu cầu phát triển điện năng phải bảo đảm 11-11,5%/năm.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững hơn của ngành năng lượng, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TƯ về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều giải pháp mới. Trong đó có giải pháp mang tính đặt nền tảng cho nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này.
Đây không chỉ là “cánh cửa rộng” hút nguồn lực cho ngành năng lượng, mà còn tạo sự bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp. Bởi lẽ, hầu hết những dự án phát triển nguồn điện hiện nay đang gặp khó khăn về vốn đầu tư hoặc thủ tục; không ít dự án chậm tiến độ, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn điện trên hệ thống. Đầu tư vào ngành năng lượng yêu cầu lượng vốn khổng lồ, nếu chỉ trông chờ ở doanh nghiệp nhà nước sẽ rất khó khăn.
Mặt khác, thời gian qua, sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư cho năng lượng, tuy chưa nhiều, cũng đã mang đến những thay đổi lớn, nhất là về công nghệ, phương pháp quản trị, sự minh bạch của thị trường, góp phần bảo đảm vững chắc hơn cho an ninh năng lượng của đất nước. Hàng loạt dự án điện gió và điện mặt trời ra đời là minh chứng cho tiềm năng phát triển của nguồn lực này…
Ngoài ra, Nghị quyết số 55-NQ/TƯ cũng giải quyết nhiều vấn đề của ngành năng lượng, như tập trung bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường; tạo lập thị trường năng lượng đồng thời với chính sách bảo đảm an sinh, công bằng xã hội… Vì thế, Nghị quyết ngay từ khi ban hành đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận.
Mục tiêu đã rõ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống bằng cơ chế, giải pháp cụ thể?
Trước hết, rà lại quy hoạch điện, dự án đầu tư để bảo đảm hiệu quả và minh bạch; triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính; đầu tư phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ thị trường và công nghệ... Trong đó, ưu tiên sử dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo trong nước bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền.
Một yếu tố khác mà các nhà đầu tư rất quan tâm, đó là quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án cần tiếp tục được cải thiện; quá trình giải phóng mặt bằng cần được chú trọng đẩy nhanh, đi liền với quá trình phê duyệt dự án, quy hoạch… để cắt giảm chi phí hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp.
Đi đôi với việc thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư lĩnh vực năng lượng, cần rà soát, tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp nhà nước; cấp đủ vốn để doanh nghiệp nhà nước thực sự là trụ cột triển khai những dự án năng lượng quan trọng, có tính chất bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Về chính sách giá điện, có thể kết hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ với cơ chế thị trường; lập chính sách giá điện ưu đãi ổn định, minh bạch để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư lâu dài và bền vững. Việc xây dựng chính sách cụ thể về giá điện cũng cần gắn liền với các chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, để bảo đảm việc phát triển thị trường được bền vững. Ngoài ra, có thể bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về phát triển lưới điện thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện năng phù hợp với tình hình phát triển của thị trường...
Tất cả những giải pháp trên là nhằm đưa chủ trương phát triển năng lượng bền vững thật sự phát huy trong cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.