(HNMO) - Bàn về vụ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin sụp đổ, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Lạng Sơn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan, ngoài lãnh đạo Vinashin.
Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành linh hoạt, nhạy bén thời gian qua nhằm giữ ổn định kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để giải quyết những vấn đề tồn tại nhiều năm qua như: bội chi, nhập siêu, tăng giá, thiếu điện, tham nhũng, việc quản lý các tập đoàn Nhà nước…
Giảm nhập siêu, bội chi càng nhanh càng tốt
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa - TP Đà Nẵng, ba vấn đề quan trọng của đất nước hiện nay là nhập siêu, bội chi ngân sách và nợ công.
“Trong Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa thấy lối ra an toàn. Nhập siêu liên tục nhiều năm với mức khá cao và không có chiều hướng giảm… Đặc biệt, nợ nước ngoài ngày càng tăng lên nhanh chóng nếu cộng tất cả con số lại thì mức nợ công của chúng ta mấp mé mức không an toàn, trong khi ngân sách đang bội chi, dự trữ ngoại tệ ngày càng giảm, làm cho nền kinh tế vĩ mô không ổn định, vững chắc và tạo nguy cơ bất trắc không kiểm soát được”, đại biểu Nghĩa nhận xét.
Theo đại biểu Nghĩa, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa cần được xem là quốc sách lớn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững. Đại biểu Nghĩa đề nghị, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao, mà nên tập trung ưu tiên kìm chế lạm phát, siết chặt quản lý thu, chi ngân sách. Đồng thời cơ cấu lại đầu tư, chỉ tập trung cho những dự án thiết thực, có hiệu quả, cương quyết dừng những dự án chưa phải là cấp bách.
Cũng quan tâm đến vấn đề nợ công, đại biểu Vũ Quang Hải - Hưng Yên cho rằng, báo cáo nợ Chính phủ là 44.5%, trong đó nợ nước ngoài là 42.2% nhưng nếu tính đúng, tính đủ theo quy định và theo Luật đầu tư công thì chỉ số nợ đầu tư công của Việt Nam cao hơn mức hiện nay,
“Nợ công của Việt Nam đang tiệm cận đến những vấn đề không an toàn bởi các khoản nợ của các dự án không tạo ra giá trị gia tăng chiếm nhiều và hiện chúng ta chưa phải trả nợ nhiều (năm gần đây mới chỉ khoảng 250 - 270 triệu USD) nhưng đến năm 2020 và những năm tiếp theo đến kỳ trả nợ thì Việt Nam sẽ phải trả nợ nhiều hơn”, đại biểu Hải nói.
Thêm vào đó, đại biểu Hải cho biết, Việt Nam có khoản nợ nước ngoài với 42,2% GDP và với khoản nợ lớn như vậy chỉ cần tính chênh lệch giá so với chỉ số giá USD, đồng Euro, đồng Yên… thì chỉ riêng khoản trượt giá này cũng phải kéo theo hàng tỷ USD mà sau này phải cộng thêm vào khoản nợ. Vì vậy, ông đề nghị với Quốc hội và Chính phủ phải đặt việc quản lý nợ công vào trong một sự kiểm soát đặc biệt của Quốc hội và Chính phủ.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm - Thái Bình cho rằng, Việt Nam đã thành công trong những giải pháp tình thế, giải quyết những tác động rất bức bách của đất nước và của thế giới khá thành công. Nhưng nhìn vào những vấn đề rất cơ bản đảm bảo phát triển bền vững của đất nước trong những năm tới, thì chưa thành công, hoặc chuyển biến rất chậm.
Để đảm bảo các mục tiêu được thực hiện một cách đầy đủ, đặc biệt là những mục tiêu của năm 2011- năm đầu của kế hoạch 5 năm và năm đầu tiên thực hiện những tư tưởng chỉ đạo mới của Đại hội XI, đại biểu Kiêm đề nghị Chính phủ cần có chương trình, lộ trình sửa một cách cơ bản, tạo chuyển biến một cách rõ rệt 6 khuyết điểm mà trong Báo cáo Chính phủ năm 2011 nêu lên.
“Trước mắt, ngay trong những tháng còn lại của năm 2010, tập trung giải quyết thành công hoặc giải quyết thành công cơ bản những nút thắt của kinh tế hiện nay, chuyển biến cho bằng được, tạo tiền đề cho bằng được bội chi ngân sách và nhập siêu giảm càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng hay”, đại biểu Kiêm nói.
Phát triển nông thôn nhanh hơn
Theo đại biểu Nguyễn Đăng Vang - Bình Định, đã lâu, Việt Nam đầu tư cho nông nghiệp chưa xứng tầm của nó.
“Đầu tư cho nông nghiệp năm 2009 chỉ bằng 6,26% tổng đầu tư cho xã hội, trong khi GDP của ngành này là 20,91%. Trước đó năm 2008 thì tỉ trọng này còn cao hơn một chút, tức là 6,45% và vào năm 2005 cách đây 5 năm thì còn được 7,50%, vào năm 2000, cách đây 10 năm còn được 13,85%. Nhưng từ đấy đến nay cứ giảm dần, giảm dần và chỉ còn 6,26%... Như vậy rõ ràng đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm, hiện nay bằng 30% so với trung bình tương đương giá trị GDP của chính ngành này mang lại”, đại biểu Vang dẫn chứng.
Đại biểu Vang đề nghị, năm 2011 không nên tiếp tục giảm tỷ lệ đầu tư ở khu vực này và cần phải có một chính sách đồng bộ, tính toán hiệu quả kinh tế cao nhất.
Cùng chung nhận xét, đại biểu Vi Trọng Lễ - Phú Thọ nhất trí, để chương trình xây dựng nông thôn mới có hiệu quả vừa đảm bảo chiến lược an ninh lương thực, vừa đảm bảo ở nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu xây dựng một bộ giống cây lương thực chuẩn và ổn định, để từ đó có thể sản xuất đại trà tạo ra một sản lượng lương thực hàng hóa lớn, phục vụ cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Đồng thời, sớm hoàn thành việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp,, tạo điều kiện để người nông dân hỗ trợ lẫn nhau hoặc cộng đồng trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp; quan tâm chỉ đạo để phát triển mối liên kết 4 nhà đảm bảo chặt chẽ và hiệu quả theo hướng xác định rõ trách nhiệm từng nhà đến đâu, cơ chế ràng buộc giữa các nhà nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nông thôn phát triển.
“Theo chúng tôi, nên bổ sung thêm một nhà trong mô hình liên kết 4 nhà, đó là nhà trường, vì muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, có hiệu quả thì người nông dân phải được đào tạo bài bản, nhà trường phải có trách nhiệm đào tạo nông dân theo nhu cầu ngành nghề, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng đúng địa chỉ và phải là một mắt xích quan trọng trong quy trình khép kín phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, đại biểu Lễ nói.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Nhị - Nghệ An, ở nông nghiệp nông thôn hiện nay đang tồn tại những bất cập lớn: đất nông nghiệp quá manh mún; vai trò của Nhà nước đối với thị trường nông sản vẫn chưa đủ mạnh; biến đổi khí hậu; giá cả đầu vào vừa cao lại vừa loạn; vệ sinh an toàn thực phẩm đang đặt ra cho nông nghiệp nước ta trước sự cạnh tranh hết sức gay gắt…
Để khắc phục những bất cập này, đại biểu Nhị đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuê đất, đầu tư sản xuất nông nghiệp, tăng cường quản lý Nhà nước về thị trường, nhất là thị trường nông sản, thị trường cung ứng giống, vật tư cho sản xuất nông nghiệp; tiếp tục ưu tiên đầu tư mạnh cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là giao thông thủy lợi; có chính sách và giải pháp đồng bộ để khuyến khích có trách nhiệm đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
“Lực lượng quốc gia có hơn 70% dân số ở khu vực nông nghiệp và nông thôn nên chúng ta phải phấn đấu làm sao tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển đời sống của nhân dân và làm thế nào để người nông dân thực sự nếm được vị ngọt của tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Nhị nói.
Làm rõ trách nhiệm các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin
Bàn về vụ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin sụp đổ, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Lạng Sơn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan, ngoài lãnh đạo Vinashin.
“Báo cáo của Chính phủ cho biết Chính phủ có trách nhiệm và đã nghiêm túc kiểm điểm, nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu trong trường hợp này các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội - cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình. Không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm”, đại biểu Thuyết nói.
Đại biểu Thuyết đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này. Trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm một số thành viên Chính phủ có liên quan.
“Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Ủy ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra”, đại biểu Thuyết nói.
Chung mối quan tâm, đại biểu Lê Văn Cuông - Thanh Hoá cho rằng, sự cố này đã được cảnh báo sớm về kết quả quản lý yếu kém, tiêu cực, nhưng vì có biểu hiện bao che, ưu ái, nuông chiều nên cái u, cái nhọt lâu ngày đã vỡ tung để lại hậu quả hết sức nặng nề.
“Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ trình độ quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vốn, tài sản Nhà nước của Chính phủ, các Bộ ngành chức năng đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được xác định là những đầu tàu, là quả đấm thép của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Không biết quản lý kiểu gì mà Vinashin đi mua tàu, mua nhà máy phát điện cũ và đầu tư khắp nơi nhưng bộ chủ quản, các bộ chức năng không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời. Mặt khác, kể từ năm 2006 đến năm 2009, có tới 11 đoàn đến làm việc nhưng vẫn không phát hiện ra được căn bệnh hiểm nghèo của Vinashin”, đại biểu Cuông nói.
Đại biểu Cuông cũng kiến nghị tại kỳ họp này, Quốc hội cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ chủ quản, Thủ trưởng các Bộ, ngành chức năng có liên quan, chứ không thể nêu chung chung như nội dung các Báo cáo của Chính phủ.
“Tôi tán thành việc thành lập Ủy ban lâm thời theo quy định của pháp luật, để điều tra làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan qua vụ tiêu cực ở Vinashin, nhằm ngăn chặn kịp thời, hữu hiệu các tập đoàn kinh tế lũng loạn Nhà nước”, đại biểu Cuông nói.
Sự kiện Vinashin như là một biến cố quan trọng trong lịch sử hình thành và hoạt động của các tập đoàn kinh tế Việt Nam là quan điểm của đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng - Bình Dương.
“Tôi và nhiều cử tri hiện nay đang quan tâm nhiều hơn về các vấn đề của hậu Vinashin và kế đó là "tân Vinashin". Sau sự kiện Vinashin liệu sẽ còn những Vinashin nào khác trong số các tập đoàn kinh tế và tổng công ty của chúng ta? Các lỗ hổng về luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế và các công ty sẽ được khắc phục như thế nào. Những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc buông lỏng quản lý để gây ra hậu quả nghiêm trọng của Vinashin phải được truy cứu trách nhiệm thế nào cho công minh”, đại biểu Đáng đề nghị.
Về tái cơ cấu Vinashin, theo đại biểu Đáng, Vinashin mới phải là một điển hình đổi mới của doanh nghiệp Nhà nước, đòi hỏi chúng ta có những chuyển đổi phù hợp trong tư duy và luật pháp về doanh nghiệp Nhà nước.
Từ vụ việc Vinashin, đại biểu Lê Thị Nga - Thái Nguyên đi sâu phân tích cơ sở pháp lý của việc thí điểm thành lập và hoạt động của tập đoàn kinh tế Nhà nước.
“Tuy là thí điểm nhưng các tập đoàn của chúng ta đều được thành lập chính thức, là một chủ thể quan trọng của nền kinh tế. Nên từ chủ trương của Đảng cho đến thực tiễn cần thiết phải có bước thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật về thí điểm ở tầm một nghị quyết của Quốc hội trong đó quy định rõ phạm vi lĩnh vực, thời gian thí điểm, mô hình tổ chức, địa vị pháp lý xử lý những vấn đề mâu thuẫn với các luật, phân công trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xác định thời hạn tổng kết thì mới đảm bảo. Nhưng ngay từ giai đoạn đầu tiên năm 2005, chúng ta đã bỏ qua bước thể chế hóa quan trọng này mà chỉ dùng các quyết định cá biệt để thành lập từng tập đoàn”, đại biểu Nga cho biết.
Đại biểu Nga cũng cho rằng, việc Việt Nam thí điểm ngay trên phạm vi rất rộng với nhiều lĩnh vực trọng yếu và gần đây lại càng mở rộng là vấn đề rất đáng cân nhắc. Việc thí điểm liên quan đến hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn Nhà nước mà về mặt pháp luật ngay từ đầu chúng ta lại không ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội với tư cách là thiết chế quyền lực Nhà nước cao nhất để cùng chia sẻ trách nhiệm mà chỉ đặt trách nhiệm quá nặng nề lên vai Chính phủ cũng là chưa thật hợp lý.
Từ đó, đại biểu Nga đề nghị, ngoài Vinashin đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho kiểm toán, thanh tra toàn bộ hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước còn lại, nhất là đối với Tập đoàn điện lực, trên cơ sở đó báo cáo với Quốc hội toàn diện về tổ chức và họat động của các tập đoàn thí điểm. Nếu khẳng định thành công thì đề nghị Quốc hội sửa luật để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Các Bộ trường giải trình những vấn đề kinh tế-xã hội
Sẽ vẫn thừa xi măng trong năm tới
Giải trình thêm về tình hình quy hoạch xi măng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận, công tác quy hoạch trong lĩnh vực này có vấn đề về chất lượng, về sự đồng bộ.
“Hiện nay nếu xét trong quan hệ cung cầu của xi măng thì các dự án xi măng trong nước của chúng ta cung đang lên cao dần và như năm nay con số của cung là vượt cầu”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, để đảm bảo bình ổn thị trường, có nghĩa là cung cầu nhất trí, ngoài việc tăng cung, Chính phủ đã hạn chế nhập khẩu clinke.
“Năm ngoái nhập khẩu 3,5 triệu tấn clinke, năm nay nhập 1,7 triệu tấn, cung đang từng bước hạn chế”, Bộ trưởng cho biết.
Dự kiến trong những năm tới dư thừa xi măng từ 2 - 5 triệu tấn xi măng, Bộ đã đề xuất Chính phủ đẩy cầu tiêu thụ xi măng lên bằng việc đưa xi măng vào các công trình giao thông, công trình thủy lợi, kênh mương, nội đồng, đường giao thông nông thôn; tăng các dự án đầu tư vào vật liệu xây dựng không nung để thay thế cho gạch ngói, đất sét nung; phát triển thị trường xuất khẩu.
Tiếp tục điều chỉnh giá bán điện theo giá thị trường
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2010, đặc biệt là mùa khô từ tháng 5 - 7 tình hình cung ứng điện có nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm về mặt chỉ đạo về việc thực hiện tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn sáu từ năm 2006 đến năm 2010 và có tầm nhìn đến năm 2015.
Theo Bộ trưởng, nếu thực hiện đúng theo quy hoạch 6 thì chúng ta sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện như vừa rồi. Dự báo của chúng ta về nhu cầu điện là tương đối phù hợp với diễn biến nhưng trên thực tế việc huy động các nguồn điện vào sản xuất và cung ứng điện có chậm trễ.
“Trong giai đoạn năm 2008 và năm 2009, đứng trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, chúng ta cũng thực hiện một số giải pháp để thắt chặt chi tiêu, trong đó có giải pháp hạn chế đầu tư. Vì vậy, một số công trình trong ngành điện trong giai đoạn năm 2008, năm 2009 cũng rất khó khăn trong việc vay vốn. Vì vậy cũng ảnh hưởng đến tiến độ đưa một số công trình điểm vào huy động trong giai đoạn của năm 2010 và một số năm sau”, Bộ trưởng cho biết.
Để khắc phục tình trạng thiếu điện hiện nay cũng như trong các năm tới, theo Bộ trưởng, giải pháp quyết liệt nhất và quyết định nhất là phải đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình nguồn điện theo Tổng sơ đồ 6 và sắp tới đây là Tổng sơ đồ 7. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và các ngành phải nhanh chóng đưa những công trình nhiệt điện mới xây dựng đã đi vào hoạt động nhưng phải hoạt động ổn định. Đồng thời, tái cơ cấu ngành điện, trong đó có Tập đoàn điện lực Việt Nam; xây dựng các phương án để chủ động cung ứng điện trong bất cứ tình huống nào xảy ra; tiếp tục xây dựng đề án điều chỉnh giá điện theo cơ chế giá trị trường; tăng cường giải pháp vận động tiết kiệm điện.
Sẽ có quy hoạch cứng cho ngành thép
Thừa nhận tình trạng thời gian qua xuất hiện một số dự án thép nằm ngoài quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, nguyên nhân có phần do một số địa phương, đặc biệt là những địa phương còn nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn rất mong muốn có các dự án đầu tư vào địa phương mình để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển công nghiệp nên “không tránh khỏi tình trạng chỗ này, chỗ kia, thời điểm này, thời điểm khác có thể có những dự án nó chưa nằm ở trong quy hoạch”.
Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ đã phối hợp với các ngành và các địa phương rà soát lại quy hoạch ngành thép và trên tinh thần riêng đối với quy hoạch ngành này thì không phải là một quy hoạch mềm, mà là quy hoạch cứng, các dự án chỉ nằm trong quy hoạch thì mới được phép triển khai.
“Qua rà soát kiểm tra, nếu phát hiện thấy những dự án thép, một là nằm ngoài quy hoạch và thứ hai là không có hiệu quả, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng thì phải yêu cầu có thay đổi về công nghệ, hoặc là thay đổi về thiết bị, nếu không đáp ứng được yêu cầu đó thì phải đình chỉ và thậm chí là chấm dứt hoạt động”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ chỉ tập trung thực hiện các dự án sản xuất phôi thép, còn các dự án cán thép thì chỉ ưu tiên những dự án cán thép chế tạo, chứ không dành cho dự án sản xuất thép xây dựng.
Sau năm 2015 sẽ tiến tới cân bằng cán cân thanh toán
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, tình hình hiện nay nhập siêu đang còn cao và đây cũng là một trong những khó khăn thách thức nó dẫn đến đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mặc dù nhìn chung tỷ lệ nhập siêu còn cao nhưng chúng ta cũng đã có những bước tiến bộ nhất định.
“Nếu mà nói về con số tuyệt đối thì đúng là năm 2007 chúng ta nhập siêu khoảng 14 tỷ đô la. Năm 2008 chúng ta là 18 tỷ. Năm 2009 là 12 tỷ 800 triệu đô la, tức là xấp xỉ 13 tỷ đô la. Năm 2010 trong báo cáo ước thực hiện năm 2010 mà được xây dựng từ tháng 9 thì con số vào khoảng 13,5 tỷ đô la. Nhưng đến giờ phút này, qua nhiều tháng thực hiện và dự báo hai tháng cuối năm, ước tính nhập siêu của năm 2010 sẽ vào khoảng 12 tỷ đôla, thấp hơn so với dự báo là 13,5 tỷ và thấp hơn so với năm 2009”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, tỷ lệ nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu liên tục cũng giảm. Năm 2007 xấp xỉ 30% trên tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2008 là 28,8%; năm 2009 là 22,5%; và năm nay khoảng 18%.
“Việc chúng ta khắc phục nhập siêu cũng đòi hỏi một quá trình tương đối dài chứ cũng không thể trong ngày một, ngày hai có thể khắc phục được bởi vì một lý do đó là chúng ta đang tập trung đầu tư rất nhiều cho kinh tế, đặc biệt cho xây dựng các năng lực sản xuất mới cho các năm sau. Cho nên phải rất cố gắng và trong thời gian cũng không phải ngắn chúng ta mới có thể khắc phục được tình trạng nhập siêu”, Bộ trưởng nói.
Hơn nữa, hiện nay công nghiệp hỗ trợ của chúng ta chưa phát triển nên rất nhiều sản phẩm của chúng ta xuất khẩu nhưng phải nhập khẩu mới có bán sản phẩm, có nguyên liệu để xuất khẩu.
Bộ trưởng cho biết, theo dự kiến của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, đến năm 2015 phải bằng mọi cách đưa tỷ lệ nhập siêu xuống 14%. Dự tính trong một vài năm sau năm 2015 sẽ tiến tới cân bằng cán cân thanh toán.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng |
Vụ Vinashin: Có nhiều lúng túng trong giám sát
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, việc quản lý Nhà nước đối với các tập đoàn, cụ thể là Vinashin là rất khó.
Theo Bộ trưởng, ở góc độ được phân công thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu trong các tập đoàn, Bộ phải báo cáo Chính phủ ý kiến khi tập đoàn trình Chính phủ về một số nội dung như mục tiêu, quy hoạch, phát triển chiến lược phát triển của tập đoàn; điều lệ của tập đoàn; tổ chức, cơ cấu tổ chức của tập đoàn; một số công tác dân sự…
“Nội dung này là Bộ báo cáo Chính phủ ý kiến của mình khi được Tập đoàn trình Thủ tướng Chính phủ, cũng như góc độ khác thì Chính phủ sẽ tập trung lại và sẽ có quyết định, quyền quyết định đó là của Thủ tướng Chính phủ và cái gì Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Tập đoàn thì Tập đoàn quyết định, chứ Bộ hoàn toàn không có quyền quyết định trong tất cả những nội dung này”, Bộ trưởng nói thêm.
Về việc giám sát đầu tư, Bộ trưởng cho biết, Bộ cũng có phát hiện một số vấn đề báo cáo Chính phủ, tuy nhiên, có nhiều vấn đề không phát hiện được, nhiều vấn đề phát hiện chậm, thậm chí tất cả những vấn đề cố ý làm sai trái là hoàn toàn không phát hiện được, cái đó là khuyết điểm của Bộ.
“Chúng tôi cũng kiểm điểm thấy có trách nhiệm của mình, thấy có khuyết điểm của mình, nhưng cũng thấy có nhiều lúng túng trong việc thực hiện chức năng giám sát”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, ranh giới quản lý Nhà nước, ranh giới giữa đại diện chủ sở hữu ở một số nội dung và ranh giới để cho quyền chủ động không can thiệp và quyền chủ động của hội đồng quản trị, cho tập đoàn thực hiện nhiệm vụ được giao khiến các bộ, ngành lúng túng. Bởi thế, Bộ chưa làm tốt việc thực hiện đại diện chủ sở hữu của mình.
Còn theo Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, sở dĩ việc 11 lần thanh tra, giám sát tập đoàn này mà không phát hiện được yếu kém, sai phạm của tập đoàn là do một phần bởi cơ chế.
“Đây là một số lượng của thanh tra, kiểm tra, giám sát của nhiều cơ quan chức năng, không chỉ riêng có hoạt động của thanh tra và do pháp luật quy định trách nhiệm của các cơ quan khác nhau thì chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật khác nhau, trong khi đó pháp luật cũng chưa quy định cơ quan nào phải thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện. Còn kiểm toán và thanh tra của Chính phủ thì vì phải tránh chồng chéo, nên chưa tiến hành thanh tra toàn diện. Đây chính là vấn đề vừa qua như Chính phủ đã kiểm điểm là có trách nhiệm trong việc quản lý và cũng có một phần là do lỗi của cơ chế”, Tổng thanh tra cho biết.
Cũng theo ông Trần Văn Truyền, qua 11 lần giám sát Vinashin đều có phát hiện sai phạm về sử dụng vốn, đầu tư sai ngành nghề, mua sắm tài sản… và Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo Vinashin khắc phục nhưng tập đoàn đã không thực hiện nghiêm các quyết định này, còn các cơ quan chức năng do vướng cơ chế cũng không thể hậu kiểm.
Tổng thanh tra Trần Văn Truyền cũng cho biết, cuối 2008 Thanh tra Chính phủ đã đề xuất thanh tra toàn diện Vinashin, nhưng năm đó Bộ Tài chính có 2 đợt thanh tra, nên theo luật phải dời lại. Đến 2009 được duyệt kế hoạch thanh tra nhưng do suy thoái nên Chính phủ lại có quyết định hoãn thanh tra các tập đoàn để chống suy thoái nên cũng không thực hiện được. Đến 2010 thì có kế hoạch nhưng chưa làm được. Thanh tra Chính phủ có phần lỗi trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo Tổng Thanh tra, thanh tra Chính phủ không giám sát hết được các hoạt động thanh tra, kiểm toán. Ngay trong hoạt động thanh tra pháp luật cũng quy định thanh tra tại mỗi cấp là do cơ quan hành chính cùng cấp lập ra, cơ quan hành chính có quyền quyết định, giao nhiệm vụ và có quyền kết luận việc thanh tra đó mà cơ quan thanh tra cấp trên không có quyền kiểm tra, đánh giá lại hoặc sửa lại các kết luận của thanh tra cấp dưới, mà chỉ nhận nhiệm vụ và chỉ cho ý kiến khi ở dưới có ý kiến khác nhau mà cấp dưới báo cáo lên. Vì vậy Thanh tra Chính phủ cũng khó có thể đánh giá được các hoạt động của các thanh tra cấp dưới, nếu thanh tra cấp dưới không báo cáo lên và không xin ý kiến thì thanh tra cấp trên không thể cho ý kiến về vấn đề này. Đây cũng chính là bất cập mà luật thanh tra đang sửa đổi.
“Trên thực tế chúng tôi cho rằng không có sự đùn đẩy hoặc là sự nhùng nhằng ở đây, vấn đề là do điều hành còn có những khiếm khuyết”, Tổng thanh tra nói.
Về ý kiến cho rằng có dấu hiệu Chính phủ bao che trong vụ việc Vinashin, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, dưới góc độ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo rất rạch ròi về những vấn đề đã tiến hành, còn Chính phủ bao che như thế nào thì hiện “chưa thấy có dấu hiệu hoặc có căn cứ để nói như vậy”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.