Chiều 3/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2017 nêu: "Mục tiêu tổng quát năm 2017 của ngành: Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành toàn diện Kế hoạch chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước giai đoạn 2013-2017, trong đó chú trọng đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán, thực hiện nghiêm Luật kiểm toán nhà nước. Tiếp tục nâng cao năng lực cơ quan kiểm toán nhà nước, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên."
Toàn ngành tập trung lựa chọn 211 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán (tăng so với kế hoạch kiểm toán năm 2016 là 16 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán) để tổ chức thành 228 cuộc kiểm toán, tăng so với kế hoạch kiểm toán năm 2016 là 8 cuộc kiểm toán.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao hoạt động của kiểm toán thời gian vừa qua. Nhất trí với dự kiến hoạt động của kiểm toán trong thời gian tới nhưng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung vào những vấn đề lớn.
Đề nghị bổ sung vào kế hoạch kiểm toán chuyên đề về quản lý nợ công để làm rõ quản lý và sử dụng vốn ODA, gắn với nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên lồng ghép các nội dung, mục tiêu kiểm toán để hạn chế chồng chéo, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các số liệu phải được sử dụng được như nhau, như vậy thì mới mang tính thống nhất và khoa học.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên Chủ nhiệm nêu băn khoăn bởi năm 2016, tuy thực hiện kiểm toán nhiều nhưng không chuyển sang cơ quan điều tra một vụ việc nào và đề nghị Kiểm toán Nhà nước nêu rõ lỹ do vì sao lại như vậy. Chủ nhiệm Lê Thị Nga đánh giá một trong những hạn chế của công tác kiểm toán là kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán và đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải nêu rõ tại sao thực hiện kiến nghị kiểm toán thấp, đồng thời đánh giá, công khai cơ quan nào chậm và báo cáo trước Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu câu hỏi làm thế nào để nâng cao chất lượng của kết quả kiểm toán. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói điều mà cử tri quan tâm là sau kiểm toán, chúng ta rút ra được vấn đề gì trong quản lý. Chính vì vậy cần phải rút bớt lại một số chuyên đề, nên tập trung lại một số chuyên đề để kiểm toán, kiểm toán rồi thì phải có kiến nghị rõ ràng, xác định ai đúng, ai sai, kiến nghị vấn đề gì để từ đó hoàn thiện cơ chế chính sách.
Theo chương trình, sáng mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.