(HNMO) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về việc gửi Báo cáo tóm tắt Hồ sơ “Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang” tới UNESCO đề nghị đưa vào Danh mục dự kiến xây dựng Hồ sơ di sản thế giới.
Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn). |
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi Báo cáo tóm tắt Hồ sơ "Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang" tới UNESCO đề nghị đưa vào Danh mục dự kiến xây dựng Hồ sơ Di sản thế giới; hướng dẫn UBND tỉnh Tuyên Quang và UBND tỉnh Bắc Kạn lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản thế giới.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Tuyên Quang chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai lập hồ sơ "Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang" theo quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.
Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang nằm trên địa bàn các xã Khâu Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú, Thanh Tương của huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) có diện tích trên 33.000 ha. Hiện nay, tại khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang còn khoảng 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới.
Trong khu bảo tồn có trên 21.000 ha là rừng đặc dụng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ. Nơi đây có trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan hài, cây thuốc quý… Khu bảo tồn cũng bước đầu ghi nhận được 88 loài thú (trong đó có 13 loài ghi vào sách đỏ Việt Nam), 294 loài chim, 30 loài bò sát và 18 loài lưỡng cư, 300 loài bướm, 40 loài dơi, hàng nghìn loại cá…
Vườn Quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) có diện tích 7.610 ha, trong đó có 3.226 ha là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và hơn 300 ha diện tích mặt hồ. Những nghiên cứu khoa học khẳng định đây là khu vực giàu có về đa dạng sinh học. Vườn quốc gia Ba Bể có 1.281 loài thực vật thuộc 162 họ, 672 chi, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm có giá trị được ghi vào Sách Đỏ của Việt Nam và Thế giới. Các loài cây gỗ quý, hiếm như: nghiến, đinh, lim, trúc dây…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.